Lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật: Nhìn từ nhu cầu thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, Việt Nam dù có nhiều tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới, nhưng trong một số lĩnh vực như lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản. Thực tế vẫn còn những hạn chế về lồng ghép giới vào các chính sách an sinh xã hội.
Một buổi truyền thông pháp luật về bình đẳng giới. (Ảnh minh họa)
Một buổi truyền thông pháp luật về bình đẳng giới. (Ảnh minh họa)

Những bất cập thực tế

Theo quy định hiện hành của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng nhiều quyền lợi hấp dẫn, trong đó có chế độ thai sản cho lao động nữ, còn BHXH tự nguyện không bao gồm quyền lợi này. Do đó, nhiều nữ lao động trẻ tuổi đang làm nghề tự do, dù hiểu rõ lợi ích của BHXH nhưng vẫn chưa muốn tham gia. Chị H.T.S, 26 tuổi, ở huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội làm nghề buôn bán tự do. Chị chia sẻ, điều chị quan tâm nhất là chế độ thai sản, tuy nhiên chị không đủ điều kiện để đóng BHXH bắt buộc. “Tôi chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện vì không làm cho công ty, xí nghiệp nào. Nếu BHXH tự nguyện bổ sung quyền lợi về thai sản thì tôi sẽ tham gia, vì tôi có dự định trong vài năm tới sẽ lập gia đình và sinh con. Bảo hiểm sẽ hỗ trợ lúc tôi bị mất thu nhập vì phải nghỉ làm, chi phí gia tăng do phát sinh các khoản chăm sóc sức khỏe bản thân và nuôi con”, chị S nói.

Phát biểu trong một hội thảo cùng chủ đề, bà Nguyễn Hoàng Yến, chuyên gia sức khỏe cộng đồng đánh giá: “Quy định này làm giảm sự hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Bổ sung chế độ thai sản vào quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện sẽ vừa tạo thêm sức hút với lao động nữ, nhất là những người trẻ làm nghề tự do, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.

Ở một góc độ khác, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Tại Việt Nam, theo ngành Y tế, mỗi năm có 5.100 phụ nữ mắc và khoảng 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, không nhiều phụ nữ biết về điều này để có ý thức phòng tránh. Bên cạnh đó, hiện nay, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chưa quy định điều khoản thanh toán đối với các chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung để giảm tải gánh nặng cho cá nhân phụ nữ và gia đình.

Ngày 28/7/2022, tại Hội thảo chia sẻ thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Việt Nam, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế cho biết, tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine hoặc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện Việt Nam đã có đề án thí điểm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, việc sàng lọc mới chỉ thụ động khi người dân đi khám phụ khoa mà chưa triển khai được chương trình sàng lọc chủ động. Tỷ lệ sàng lọc ở phụ nữ còn khá thấp nên khó đạt mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch hành động quốc gia là 60% vào năm 2025.

Một trong những nguyên nhân khác khiến việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung còn hạn chế là do hiện tại, Luật BHYT chưa cho thanh toán đối với các chi phí khám sàng lọc, chi phí khá đắt tiền nên chưa thể triển khai khám sàng lọc ung thư cổ tử cung một cách có hệ thống. Tháng 4/2021, bên lề Hội thảo “Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe” do Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Hội Kinh tế y tế tổ chức, trao đổi với truyền thông TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số chương trình khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng như bệnh tiểu đường, một số ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số ung thư nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao. Vì hiện chi phí tiền túi cao khi khám chữa bệnh khiến người dân, nhất là những hộ nghèo e ngại khi tiếp cận dịch vụ y tế và từ đó, bệnh tật không sớm được tầm soát, phát hiện.

Coi trọng lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật

Tháng 8/2022 tại Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG) diễn ra tại Hà Nội cho thấy, sau 15 năm thi hành Luật BĐG, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thực hiện tốt BĐG. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực như kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản. Cùng với đó, thực tế vẫn còn những hạn chế về lồng ghép giới vào các chính sách an sinh xã hội. Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ BĐG, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 15 năm thi hành, Luật BĐG cần được bổ sung nhằm đảm bảo tính khả khi đồng bộ với hệ thống luật pháp trong nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực BĐG…

Chú trọng hơn nữa công tác phản biện, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến BĐG - nội dung này được đề cập tới trong Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật BĐG do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức ngày 15/12 mới đây. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam có nhiệm vụ tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em và BĐG. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 15 năm thực hiện Luật BĐG thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế mà lớn nhất là việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa đạt kết quả cao. Sự tham gia của Hội ở nhiều văn bản gần như chỉ được thực hiện ở giai đoạn đã có dự thảo văn bản nên việc tiếp thu ý kiến của Hội không đạt hiệu quả cao. Công tác nghiên cứu phục vụ cho nhiệm vụ phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn những văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến BĐG nhưng Hội không được tham gia…

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật BĐG và pháp luật liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về BĐG, xây dựng hệ thống tiêu chí, quy trình chuẩn để hướng dẫn thực hiện hoạt động lồng ghép giới. Hiện nay, giữa Luật Ban hành VBQPPL và Luật BĐG còn có những điểm chưa thật thống nhất về vấn đề lồng ghép giới như: Luật BĐG quy định các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đều phải có trách nhiệm lồng ghép giới, xây dựng báo cáo lồng ghép giới và Uỷ ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới có trách nhiệm tham gia thẩm tra để thẩm tra lồng ghép giới. Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL quy định Uỷ ban Xã hội chỉ tham gia thẩm tra khi dự án, dự thảo có nội dung liên quan đến BĐG. Đây là quy định không rõ ràng, dễ dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cần quy định rõ Ủy ban Xã hội có trách nhiệm về BĐG trong tất cả các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết… Cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định vấn đề giới (có hay không) và quy trình xác định vấn đề giới…

Đọc thêm