Long trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát

(PLVN) - Chiều nay, 15/2, Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023) được tổ chức long trọng tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ.
Long trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tấm gương sáng về tinh thần suốt đời học tập, tu dưỡng, rèn luyện, vươn tới tầm cao của trí tuệ, trở thành một nhà trí thức, một nhân cách lớn. Trong sinh hoạt và tác phong hàng ngày, ông là một mẫu hình giản dị, thanh tao, khiêm nhường; luôn cởi mở, chân tình.

Tình cảm chân thành, sâu sắc của đồng chí Huỳnh Tấn Phát không chỉ dành cho đồng bào, đồng chí, mà còn sâu đậm, gần gũi, thắm thiết với Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre - quê hương nghĩa nặng tình sâu đã sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành nên một nhân cách lớn Huỳnh Tấn Phát.

Chương trình nghệ thuật “Sắt son niềm tin”

Chương trình nghệ thuật “Sắt son niềm tin”

Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã để lại bài học quý về lựa chọn lý tưởng sống, lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng. Đó còn là bài học về tính kiên định và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó mật thiết với nhân dân; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho biết, Bến Tre đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có đề án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát với quy mô của tỉnh.

Bến Tre đang hoàn chỉnh dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo khu di tích đồng chí Huỳnh Tấn Phát để báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương xây dựng khu di tích các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước theo quy định của Trung ương. Khu di tích hoàn thành sẽ là nơi để Nhân dân đến thăm viếng, tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Huỳnh Tấn Phát; thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân đã có công với đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre còn tổ chức sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh bổ sung trưng bày với chủ đề: “Huỳnh Tấn Phát cuộc đời, sự nghiệp”; trưng bày các thành tựu kinh tế - văn hóa, xã hội của địa phương; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xuất bản sách (giấy và điện tử) về đồng chí Huỳnh Tấn Phát; xây dựng phim tài liệu về đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm còn có cuộc thi viết, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề Huỳnh Tấn Phát; chương trình nghệ thuật với chủ đề “Người vẽ cờ giải phóng”…

Các hoạt động nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát – người con ưu tú của quê hương Bến Tre trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là những đóng góp của ông trên lĩnh vực kiến trúc với nhiều công trình, tác phẩm xuất sắc đã góp phần xây dựng nền kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ dâng hương, dâng hoa tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát sáng 15/2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ dâng hương, dâng hoa tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát sáng 15/2

Các đại biểu dành một phút mặc niệm tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Các đại biểu dành một phút mặc niệm tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Kế thừa truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, giác ngộ lý tưởng của Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (9/1938), kiến trúc sư trẻ Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia phong trào yêu nước cách mạng của giới trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cao trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Đồng chí làm Chủ nhiệm tuần báo "Thanh niên Tiền phong"; Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ; Trưởng Ban cổ động của phong trào "Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ" năm 1945. Văn phòng của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại Sài Gòn đã trở thành nơi tổ chức những lớp huấn luyện bí mật về chủ nghĩa Marx-Lenin cho một số thanh niên trí thức, góp phần giúp Xứ ủy Nam Kỳ đào tạo đội ngũ cốt cán của phong trào cách mạng.

Ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những ngày toàn dân ta bừng bừng khí thế giành độc lập dân tộc Tháng Tám năm 1945, người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn gắn bó với vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị Phụ trách công tác trí vận và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, đồng chí đã chỉ đạo thành lập cơ sở mới của Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ, xây dựng và phát triển Đài trở thành công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, cổ vũ đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến. Đồng chí đã tổ chức in, phát hành báo "Tiến lên" - cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn; mở rộng mặt trận đoàn kết; xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng và lực lượng cách mạng trong nội đô.

Từ giữa năm 1950, tham gia Ban Chấp hành Đặc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, được Khu ủy cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc Khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Đài trở thành "tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân Đô thành anh dũng", là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Đầu năm 1959, đồng chí ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1960, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch.

Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam bầu đồng chí làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đất nước thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều cống hiến vào thành công của quá trình thống nhất về mặt Nhà nước.

Đảm đương các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ (1977-1982); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ tháng 6/1982); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982-1989), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã cùng tập thể Chính phủ, Hội đồng Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo từng bước thí điểm những đổi mới về quản lý kinh tế, góp phần xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, giúp Trung ương hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát mất ngày 30/9/1989 tại TP Hồ Chí Minh.

Đọc thêm