Long trọng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đak Pơ

(PLVN) - Sáng 24/6, tại Di tích Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2024). Tham dự lễ có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Niềm vui của thế hệ trẻ được gặp những CCB tham gia trận chiến. Ảnh HQ

Chiến thắng Đak Pơ được Bác Hồ gửi thư khen

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đak Pơ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nhận định, Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954) là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng ở Tây Nguyên. Chiến thắng Đak Pơ đã khiến quân Pháp ở Tây Nguyên suy sụp tinh thần, quân ta tiêu diệt lượng lớn sinh lực địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh và là sự kiện mang tầm vóc của Liên khu 5.

Trong trận chiến này, lực lượng của ta khá mỏng, vũ khí thô sơ, còn quân địch rất đông, có các phương tiện và vũ khí hiện đại. Nhưng với quyết tâm cao độ, Trung đoàn 96 thuộc Liên khu 5 đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích, lợi dụng địa hình của Đak Pơ lúc bấy giờ, tổ chức trận phục kích trên đường 19, đánh tan Binh đoàn cơ động 100 - đây là một binh đoàn Âu Phi tinh nhuệ của thực dân Pháp.

Chiến thắng Đak Pơ được ví là "Điện Biên Phủ của Liên khu 5", bởi đây là lần đầu tiên, bộ đội Liên khu 5 tiêu diệt được một binh đoàn cơ động của địch, giải phóng hoàn toàn huyện An Khê (cũ) và đường 19, mở rộng tuyến giao thông trong vùng tự do.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Đak Pơ đã có tác động tích cực đến việc buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Chiến thắng Đak Pơ được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng hiệu quả cao.

Đây là niềm tự hào của các thế hệ người dân huyện Đak Pơ nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch xúc động phát biểu: “Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân du kích, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử”.

Kế thừa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Tham dự buổi lễ, ông Thái Diệp, đại diện các cựu chiến binh, người từng tham gia trận đánh Đak Pơ đã trò chuyện để các thế hệ hôm nay hiểu hơn về những hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ, những cựu chiến binh đã chiến đấu ngày ấy. Trong không khí bồi hồi xúc động, ông Diệp rơi nước mắt nhớ về những đồng đội của mình, đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường. Máu xương của những liệt sĩ đã hoà vào đất mẹ đổi lấy cuộc sống hoà bình, tự do cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Đại diện Quân khu 5 và thế hệ trẻ tỉnh nhà đã chia sẻ niềm hạnh phúc khi được tham gia buổi lễ, được gặp mặt những người từng tham gia trận Đak Pơ "bằng da, bằng thịt". Thế hệ trẻ Gia Lai nói riêng và thế hệ trẻ ngày nay nói chung mãi mãi ghi lòng tạc dạ hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, nguyện phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc là “uống nước nhớ nguồn”.

Hiện nay, địa điểm chiến thắng Đak Pơ đã được xếp hạng di tích quốc gia; huyện Đak Pơ và tỉnh Gia Lai đã xây dựng Nhà lưu niệm truyền thống Chiến thắng Đak Pơ; Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ.

Đọc thêm