Long trọng, tưng bừng lễ hội mừng 30/4

TP HCM hôm qua tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012) và 126 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2012). Các tỉnh, thành trong cả nước cũng có nhiều hoạt động nhân dịp này.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012) và 126 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2012).

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải; Bí thư Trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và các lão thành cách mạng; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cùng đông đảo các đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân thành phố đã tới dự...
 

xxx
 

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố đã ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần bất khuất của dân tộc ta trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh chống các thế lực ngoại bang xâm lược.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quê hương được giải phóng, hai miền Nam – Bắc thống nhất, đoàn tụ, sum họp một nhà. Đó là thắng lợi của niềm tin, của công lý, là thành quả đấu tranh gian khổ, lâu dài với bao hy sinh, mất mát của quan và dân cả nước, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của Đảng bộ và quân dân Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định.

Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, càng tự hào về thành quả vĩ đại của cách mạng, chúng ta càng khắc cốt, ghi tâm công lao, xương máu của bao thế hệ các đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, của các anh hùng liệt sỹ, của bao chàng trai, cô gái đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân trên mảnh đất Sài Gòn –Gia Định.

Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Ba mươi bảy năm qua, trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống anh hùng, với tinh thần dám nghĩ, biết làm và bằng ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua, có những đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Trong không khí vui tươi phấn khởi, hòa chung niềm tự hào truyền thống hào hùng của dân tộc, đại diện cựu chiến binh, tầng lớp nhân dân lao động thành phố đã thể hiện sự quyết tâm thực hiện có hiệu quả của mình, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của giai cấp công nhân, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố; góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 3 tập thể: Tiểu đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Gia Định; Ban Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn- Gia Định; Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 268, Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định và 6 cá nhân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ thi đua dẫn đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Dịp này, TP HCM tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba tặng 5 tập thể, cá nhân; Huân chương chiến công hạng Nhất, Ba tặng 3 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì tặng 4 tập thể, cá nhân. Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng nhà văn Dương Ngọc Huy (Lê Văn Thảo) và truy tặng, trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho 12 cá nhân; truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho 15 cá nhân, Nghệ sĩ ưu tú cho 45 nghệ sĩ.

Trước đó, sáng 29/4, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Đoàn lãnh đạo Trung ương và TP.Hồ Chí Minh đã đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố và Nghĩa trang chính sách thành phố.

Dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, nhiều lễ hội được tổ chức trên khắp cả nước.

Tối 28/4, tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra lễ khai mạc festival “Thuận An biển gọi” năm 2012 với chủ đề “Về với biển” - mở đầu cho mùa du lịch biển năm 2012.

Festival Thuận An biển gọi năm nay gồm các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng như giải bóng đá bãi biển, liên hoan diều, biểu diễn nghệ thuật Thuận An biển gọi, đua thuyền, nhảy bao bố trên cát... Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch biển ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tiếp sau Festival Thuận An biển gọi sẽ là lễ hội "Sóng nước Tam Giang" được tổ chức vào 2 ngày 18 và 19/5 và lễ hội "Về với Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới" tổ chức vào các ngày 16 và 17/6.
 

xxx
 

Từ 27/4 – 4/5/2012, lễ hội trên mây Sapa được tổ chức tại trung tâm thị trấn Sapa. Đây là lễ hội mở màn du lịch mùa hè 2012 của Sapa trong khuôn khổ chương trình du lịch “Về cội nguồn 2012” do 3 tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái phối hợp tổ chức.

Lễ hội trên mây Sapa năm nay hứa hẹn nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, như tái hiện “Đêm chợ tình Sapa”, “Hội chợ ẩm thực vùng cao Lào Cai”, “Ngày hội văn hóa dân gian”, triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Sa Pa”, “Trưng bày hoa, cây cảnh đặc hữu của vùng cao Sa Pa, “Giải quần vợt Cúp Fansipan 2012”, “Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát”. Đặc biệt năm nay chương trình “Một ngày làm nông dân vùng cao Sa Pa” sẽ là điểm nhấn tạo nên điểm khác biệt của lễ hội năm nay so với những năm trước.

Được tổ chức từ ngày 24/4 đến 2/5 hàng năm, Tuần lễ du lịch Hạ Long - Quảng Ninh là một trong những sự kiện thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, sự kiện này lại càng có ý nghĩa hơn nữa vì Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức New 7 Wonders chính thức công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Tâm điểm của Tuần Du lịch vẫn là Lễ hội Carnaval Hạ Long, một thương hiệu của Du lịch Quảng Ninh đã được xây dựng từ nhiều năm nay.

Với tiêu đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, Carnaval Hạ Long 2012 là nơi những người tổ chức lễ hội trình diễn bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch và tôn vinh giá trị di sản của địa phương.

Khác với 5 mùa lễ hội Carnaval trước đó, lễ hội đường phố năm nay được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị có quy mô lớn nhất và tạo ra sự khác biệt rõ nét với hơn 3.800 người tham gia, trong đó có 3.200 người là diễn viên không chuyên, nhân dân các dân tộc và đại diện các vùng, miền trong tỉnh.

Đặc biệt, các chủ đề văn hóa dân gian và đương đại với hàng trăm người tham gia diễu hành trên đường phố sẽ tạo nên hình ảnh đa diện để du khách khám phá được rõ nhất về các hình ảnh lễ hội dân gian của địa phương qua các lễ rước thánh thần, làng xã. Dịp này, khách du lịch được tận mắt xem những các trò chơi trong hội xuân; lễ cưới, tập tục của ngư dân làng chài Hạ Long; tái hiện các điệu múa, lời hát câu hò dân gian; hoạt động đánh bắt hải sản...  

Tối 28/4, tại thị xã biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá tổ chức sự kiện “Tuần Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn 2012” với chủ đề “Sầm Sơn - sắc mới” để khai trương mùa du lịch 2012 và gắn với lễ công bố quyết định công nhận Thị xã Sầm Sơn là đô thị loại III.

Diễn ra từ ngày 28/4 đến 2/5, “Tuần Văn hóa - Du lịch Sầm Sơn 2012” là một sự kiện du lịch đặc biệt của tỉnh Thanh Hoá, với nhiều sự kiện, hoạt động văn hoá - thể thao - du lịch tiêu biểu, hấp dẫn và ấn tượng.

PLVN (tổng hợp từ Chinhphu.vn)

Đọc thêm