Trong lúc Bộ Giao thông Vận tải đang nỗ lực xây dựng và thực hiện đề án xóa bỏ các trạm thu phí đường bộ để tránh tình trạng phí chồng phí khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động thì thông tin Hà Nội chuẩn bị xây dựng trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long khiến người dân ngơ ngác…. không hiểu tại sao (?).
Đại lộ Thăng Long |
Trong cuộc họp ngày 23/8/2013 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã bàn về việc quản lý giao thông trên tuyến đại lộ Thăng Long bằng công nghệ hiện đại. Nhưng, những ưu điểm của việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý giao thông được trình bày trong hội nghị này lại không nhận được sự quan tâm nhiều từ dư luận mà thông tin quan trọng nhất được người dân đón nhận trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu chính là… trạm thu phí.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải lập Đề án xây dựng trạm thu phí trên đại lộ hiện đại nhất Việt Nam để thu phí đường bộ, hoàn vốn đầu tư cho công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc thu phí cũng sẽ rất hiện đại, không thu tiền mặt mà sẽ thu bằng “thẻ”, trừ thẳng vào tài khoản của các chủ phương tiện.
Trước đó, người dân vô cùng hân hoan đón nhận thông tin về việc các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, thu phí trả nợ vốn vay sẽ bị “dẹp” kể từ thời điểm việc đóng “phí” sử dụng đường bộ có hiệu lực. Vì, không thể một lần đi đường lại phải đóng hai loại phí.
Cũng chính việc triển khai dẹp các trạm thu phí được đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn vay mà Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất dẹp các trạm thu phí vốn đã được hoán đổi thành trạm BOT, như trường hợp trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, gây ra một cuộc tranh luận nảy lửa giữa chủ đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải khiến báo chí cũng tốn nhiều giấy mực. Với vụ việc này, UBND TP Hà Nội còn viện dẫn Luật Thủ đô và lý do để tránh tắc đường, không gây mất mỹ quan cho bạn bè quốc tế đến Việt Nam để ủng hộ việc dẹp trạm thu phí.
Về “phí” sử dụng đường bộ, theo quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ thì kể từ ngày 1/6/2012 (sau đó được lùi lại đến ngày 1/1/2013), sẽ thu phí sử dụng đường bộ thay thế phí đường bộ thu các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Với quy định này, các phương tiện đã “bình đẳng” với nhau trong việc nộp phí sử dụng đường bộ mà không phải cứ qua trạm thì trả tiền như trước nữa.
Để triển khai việc thu phí bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Công văn 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ Giao thông Vận tải xóa bỏ, dừng thu phí tại các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước và trả nợ vốn vay từ ngày 1/1/2013. Có thể nói từ năm 2013, ngoài các trạm thi phí giao thông của các dự án BOT thì trên các quốc lộ sẽ không còn bóng dáng các trạm thu phí giao thông nữa.
Đùng một cái, UBND TP Hà Nội lại tuyên bố xây dựng trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long với mục tiêu là để “hoàn vốn ngân sách” và sử dụng để bảo trì con đường to, đẹp nhất Việt Nam này. Điều này đã khiến nhiều người vừa nộp phí bảo trì đường bộ giật mình đặt câu hỏi “thế vừa nộp tiền vào quỹ bảo trì đường bộ, bây giờ lại thay đổi hay sao?”. Bạn đọc Minh Trí thắc mắc: “Thế lại thu phí trên ô tô nữa à? Cuối cùng chả hiểu sao nộp phí đường bộ xong, vẫn phải nộp phí cầu đường”.
Vẫn biết, chính sách và pháp luật thường xuyên thay đổi nhưng cái việc “đầu năm nói dẹp trạm, cuối năm lại dự định xây trạm” thì người dân đúng là không thể hiểu nổi. Và, việc xây trạm thu phí trên đại lộ Thăng Long, dù thu bằng tiền mặt hay bằng thẻ thì vẫn là thu tiền của dân, sẽ chắc chắn dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
Hơn nữa, lý do thu phí để hoàn vốn và bảo trì đường có vẻ như không thuyết phục người dân vì chỉ cách đây mấy tháng, Thủ tướng đã yêu cầu dẹp các trạm thu phí hoàn vốn ngân sách và trả nợ vốn vay; tiền bảo trì đường bộ thì đã có quỹ bảo trì đường bộ. Như vậy, chủ trương này của Hà Nội đang là một chủ trương đi ngược lại các quy định của pháp luật vẫn còn mới và nóng?
Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Ngô Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang để bạn đọc rõ hơn các quy định của pháp luật đang có hiệu lực:
Thưa Luật sư, xin ông giải thích ý nghĩa của việc áp dụng quy định về phí sử dụng đường bộ như hiện nay?
- Theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí thì khi sử dụng đường bộ, người tham gia giao thông phải trả phí. Việc thu phí sử dụng đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thu tại các trạm thu phí giao thông và chỉ thu đối với người đi qua trạm. Với quy định trên thì chỉ thu phí sử dụng đường bộ đối với mỗi lần sử dụng đường. Nói đơn giản là khi nào đi đường thì lúc đó trả tiền và cũng chỉ trả tiền cho đoạn đường vừa đi qua.
Tuy nhiên, việc thu trên cũng có nhiều hạn chế vì nguồn vốn nhà nước đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn nhưng chỉ thu phí trên một vài tuyến đường. Nhiều tuyến đường nhà nước đã đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa nhưng không thu được phí sử dụng. Do vậy, phương thức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức thu trên đầu phương tiện để nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ như hiện nay là hợp lý. Với cách thu như trên, phương tiện nào ra đường cũng phải nộp tiền và người tham gia giao thông đã nộp tiền một lần thì được sử dụng cả năm cho mọi con đường do nhà nước đầu tư.
Theo ông thì việc vừa nộp phí sử dụng đường bộ xong lại phải trả tiền thêm tại các trạm thu phí sẽ xây dựng, như trường hợp dự định đặt trạm thu phí tại đại lộ Thăng Long, thì có phải là nộp phí 2 lần không?
Vì thế, khi đã nộp phí sử dụng đường bộ cho nhà nước thì chủ phương tiện được sử dụng toàn bộ hạ tầng đường bộ do nhà nước đầu tư. Đối với các đoạn đường do doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT thì phải trả phí riêng là phù hợp. Trường hợp đường do nhà nước đầu tư như đại lộ Thăng Long mà lại đặt trạm thu phí như dự kiến thì chắc chắn là thu 2 lần phí. Vì, khi tôi nộp phí sử dụng đường bộ thì đương nhiên tôi được sử dụng đại lộ do nhà nước đầu tư mà không cần phải mua vé nữa.
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh