Đã 10 năm trôi qua nhưng vụ án giết chết 2 nạn nhân, dội axit hủy hoại cơ thể, vứt xác xuống biển… vẫn luôn ám ảnh không chỉ với người dân làng chai ven biển Đà Nẵng mà còn với cả cơ quan điều tra.
|
2 nạn nhân Quân và Khoa |
Bữa tất niên định mệnh
Rạng sáng ngày 22/1/2006, một số người dân làng chài ở vùng biển Hòa Hải (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đi lưới sớm đã phát hiện một xác chết thiếu niên với toàn bộ mặt, tay, chân đều bỏng cháy biến dạng, bị vứt nằm ở mép phi lao chắn sóng.
Thông tin nhanh chóng được cấp báo cho Cơ quan Công an quận Ngũ Hành Sơn, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC14, Công an TP. Đà Nẵng). Qua khám nghiệm, nạn nhân được xác định, có nhiều vết dao đâm trên người nhưng không ở mức nguy hiểm, tử vong do bị siết cổ bằng dây nịt. Điều lạ, nạn nhân chết một nơi, phi tang xác một nơi và bị axit tưới lên người làm hủy hoại hết da.
Vì nạn nhân chưa có giấy tờ tùy thân, việc xác định danh tính gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình khám nghiệm hiện trường cũng không thu được dấu vết khả nghi. Mãi đến chiều ngày 23/1, bà Trần Thị Lệ Cúc (60 tuổi, ngụ tổ 27 B2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nghe tin, vội tìm đến mới nhận ra nạn nhân là cậu con trai ruột Trần Quân. Khi đó, Trần Quân mới bước qua tuổi 14 tuổi.
Nói thêm về gia đình nạn nhân, Đại tá Phạm Phúc kể, bà Cúc quê gốc ở Đà Nẵng nhưng theo chồng sinh sống tại Thừa Thiên Huế từ năm 1989. Gia đình có 5 người con, hoàn cảnh nghèo khó. Thời điểm này bà vẫn ngược xuôi ra, vào Đà Nẵng buôn bán, thả con cho các sơ ở nhà thờ tại Huế chăm sóc.
Giữa năm 2005, không chịu được cực khổ, người chồng bỏ lại mấy mẹ con bà Cúc đi theo người khác. Không còn nơi bấu víu, bà dắt con về ngoại tại Đà Nẵng xin giúp đỡ. Từ đó, cả chục con người chen chúc trong căn nhà nhỏ. Thời điểm này, tất cả các con của bà Cúc đều dang dỡ việc học, con trai và con gái lớn cứ thế, đứa đi phụ hồ, đứa rửa chén thuê cho các hàng quán kiếm tiền nuôi thân.
Phần Quân, mới “chân ướt chân ráo” tới Đà Nẵng, do cận Tết nên Quân được người anh họ Phùng Đăng Khoa (SN 1989, con dì ruột, sống chung trong nhà ngoại) rủ đi giữ xe tại một quán nhậu. Làm được 3 buổi, chiều ngày 21/1/2006 (26 Tết Âm lịch), Quân xin nghỉ để theo Khoa đi ăn tất niên tại nhà người bạn quen.
Nói về cháu trai, bà Cúc cho biết, Khoa chỉ mới học đến lớp 5. Năm 1984, Khoa theo gia đình đi kinh tế mới ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Không may, trong quá trình làm việc, cha Khoa bị tai nạn lao động chết, mẹ đang mang thai em gái nên gặp rất nhiều khó khăn buộc phải gửi Khoa về ở với bà Cúc. Hằng ngày, Khoa làm đủ các việc từ đi lượm chai bao, đánh giày đến bán vé số. Lớn lên một chút, Khoa vào phụ việc tại một số nhà hàng ăn uống.
Ngày 21/1/2006, con trai xin phép mẹ đến tối đi ăn tất niên với Khoa nên bà Cúc đồng ý. Sau đó, bà cũng vội vã đi ra Huế dài ngày để thu mua nghệ tươi mang về xay bột bán lại. Qua trình báo thêm từ gia đình, Quân đi cùng Khoa, nhưng người này cũng đột nhiên “mất tích” không thấy về. Do đó, dư luận lại rộ đồn đoán “có thể vì mâu thuẫn, Khoa đã giết chết Quân rồi bỏ trốn”.
Đại tá Phạm Phúc, trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự kể lại, lúc bấy giờ, thông tin trên không chỉ khiến gia đình bà Cúc đau xót mà quá trình thu thập chứng cứ cũng bị “nhiễu”. Vụ án rơi vào bế tắc.
Đến ngày 25/1, đúng ngày đưa tang Quân, CQĐT lại càng bất ngờ hơn khi tiếp nhận tin báo về việc phát hiện thi thể Khoa trong tình trạng lõa thể, toàn thân biến dạng mạnh, từ đâu trôi dạt về đúng nơi phát hiện xác Quân. Tương tự Quân, Khoa được xác định tử vong bởi nhiều vết dao đâm ở ngực, bụng, bị hủy họai bởi axit, bị cứa cổ thay vì siết. Khả năng, cùng do một nhóm đối tượng gây ra.
|
Đại tá Phạm Phúc, trưởng phòng PC54 |
Bắt tay từ vụ án không manh mối
Với tính chất dã man của vụ việc, lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng đề xuất cho xác lập chuyên án, huy động tổng lực cùng vào cuộc. Đại tá Nguyễn Văn Thành (nguyên trưởng phòng Cảnh sát Hình sự- PC 14, nay PC 45) chỉ đạo trinh sát đồng loạt bắt tay vào điều tra mọi hướng, nhưng suốt 1 tuần đầu tiên vẫn chỉ nhận về con số 0 đúng nghĩa.
Làm rõ mối quan hệ bạn bè của Quân và Khoa cũng không có gì đặc biệt ngoài việc Khoa hay giao du với một số thanh niên có hoàn cảnh tương tự như mình gồm: Đào Ngọc Hồng (SN 1986, còn gọi cu Tồi), Nguyễn Quỳnh Anh Vũ (SN 1988, cu Út, cùng ngụ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) và Trần Viết Khương (SN 1987, cu Rin, ngụ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Cả 3 bỏ học sớm rồi tụ tập lập 1 hội chơi chung, hằng ngày lang thang các cảng cá, ai kêu gì làm nấy. Sau này điều tra làm rõ, Đào Ngọc Hồng có vai trò “anh cả”, khi kết thúc công việc, nhóm (có cả Khoa) thường kéo nhau đi nhậu nhẹt, tuy nhiên, chưa gây ra điều tiếng gì ở địa phương.
Đặc biệt, biết nhà nạn nhân nghèo, cùng lúc mất 2 người con, cháu nên không đủ tiền mua áo quan, Hồng, Quỳnh Anh lẫn Khương còn xông xáo tìm tới, phối hợp UBND phường, các tổ chức xã hội kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ.
Được mời hợp tác làm rõ một số nghi vấn hôm đi ăn tất niên, cả 3 vẫn tỏ ra bình thản, dựng chứng cứ ngoại phạm rất tốt. Sau khi loại dần diện tình nghi, Ban chuyên án quyết định đánh bài tâm lý, cho “rò rỉ” thông tin về việc đã tìm thấy một số manh mối khả nghi từ dấu vết trên người nạn nhân.
Mới qua 1 vài người dân xì xầm, đột ngột nguồn tin báo về cho thấy, có 4 đối tượng gồm: Phan Thanh Sơn (SN 1983) và Trần Văn Chánh (SN 1984), Lê Hoài Nam (SN 1988), Nguyễn Thị Bích Phương (SN 1989, đều cùng ngụ phường An Hải Đông, có mối quan hệ bà con họ hàng với Hồng và Huỳnh Anh) tỏ ra lo lắng, bồn chuồn, đang tiến hành gom tiền với biểu hiện khả nghi.
Manh mối tuy mỏng nhưng lại là nút thắt duy nhất để lần phá vụ án, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát cho tách từng người tiếp cận và thuyết phục. Tuy vẫn quanh co, bao che cho tội ác nhưng Phương và Nam đã để lộ một số tình tiết liên quan đến Đào Ngọc Hồng.
Song song, Phòng Kỹ thuật hình sự Đà Nẵng cũng giám định mẫu dấu tay Hồng để lại trên chiếc áo của nạn nhân. Theo Đại tá Phúc, tang vật này thu được tại một bãi rác thuộc quận Ngũ Hành Sơn.
Đã xác định Hồng thuộc diện nghi can số 1 nhưng như nhận định, vụ án có nhiều người cùng tham gia nên Ban chuyên án vẫn âm thầm thu thập chứng cứ, làm rõ thêm mối quan hệ của Quỳnh Anh, Khương. Đến ngày 16/2/2006, lệnh bắt khẩn cấp Hồng, Quỳnh Anh, Khương được tiến hành đồng thời, trước khi cả 3 có ý định bỏ trốn vài giờ. Vụ án được dựng trở lại đầy đủ.
Ghê rợn thủ đoạn cướp 2 mạng người
Theo đó, chiều ngày 21/1/2006, sau ăn tất niên, nhóm Hồng rủ Quân, Khoa đi uống bia và hát karaoke tại quận Sơn Trà. Đến khuya, quán nghỉ bán, cả nhóm mua rượu xuống ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại - Sơn Trà Điện Ngọc (tuyến đường nối với Qảng Nam) uống tiếp. Tại đây, Hồng, Khương, Vũ đã vô cớ đánh Quân và Khoa vì cho rằng, trong quá trình hát karaoke, Quân, Khoa chi tiêu tiền bạc không sòng phẳng.
Vẫn chưa hả dạ, cả 3 trói Quân, Khoa rồi lấy xe máy chở đến khu vực trước tượng Đức Chúa sau tu viện Phaolo (phường Mỹ An, TP.Đà Nẵng). Tại đây, chúng tiếp tục lấy cây gỗ đánh Quân, Khoa và bàn tính chuyện giết bạn. Khương ở lại trông giữ Quân, Khoa còn Hồng và Vũ chạy xe máy đến nhà Phan Thanh Sơn mượn con dao Thái Lan. Trên đường đi, chúng ghé nhà Vũ lấy 2 lít axít (nhà Vũ thu mua bình sạc cũ, mới) rồi quay lại tượng Đức Chúa kéo Khoa vào khu vực bãi cát gần mép biển.
Do Khoa đang say, lại bị trói nên không thể chống cự. Hồng dùng dao đâm Khoa đến chết. Sau đó, chúng lột hết áo quần của Khoa, lấy 104.000 đồng rồi dùng a xít đổ lên thân thể Khoa. Đại tá Phúc nhớ lại, khai với CQĐT, Hồng cho biết, làm vậy nhằm xóa dấu vân tay. Xong việc, chúng kéo xác Khoa bỏ xuống biển. Giết Khoa xong, cả 2 quay lại cùng Khương chở Quân vào khu vực bờ biển thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).
Vẫn thủ đoạn man rợ như lúc đầu, Hồng lấy dao đâm Quân nhiều nhát. Điều đáng nói, theo lời khai cả 3 đối tượng, khi đó, Quân biết mình sẽ chết nên năn nỉ cho được cầu nguyện. Dành cho Quân 10 phút cầu nguyện, Hồng, Khương mới tiếp tục lấy dao đâm thêm vào ngực Quân. Sau khi Quân tắt thở, chúng cũng dùng axít đổ lên người Quân để phi tang như với Khoa.
Sáng hôm sau, bộ ba này bình thản kéo đến uống cà phê ở quán nằm trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Ngồi một lúc, chúng điện thoại rủ Trần Văn Chánh, Phan Thành Sơn, Lê Hoài Nam, và Nguyễn Thị Bích Phượng đi chơi suối. Tại đây, Hồng đại diện kể lại việc giết Quân và Khoa cho cả nhóm cùng nghe.
Với tội ác “Giết người, cướp tài sản” được làm rõ, ngày 3/8/2006, TAND TP Đà Nẵng Hồng, Vũ, Khương ra xét xử. Vì vụ án quá nghiêm trong nên theo Đại tá Phúc, ông và nhiều người vẫn theo dõi cả diễn biến phiên tòa sau đó.
|
Các bị cáo trước vành móng ngựa |
Đại tá Phúc nhớ lại, vụ việc đã thu hút gần 1.000 người đến tham dự. Trong phần hỏi, chủ tọa phiên tòa cũng phải buộc miệng: “Hành động của bị cáo không còn lương tâm, không còn tính người. Một người vô nhân đạo và mất hết tình đồng loại”.
Từ đề nghị của VKS, HĐXX tuyên án tử hình đối với bị cáo Đào Ngọc Hồng và Trần Viết Khương, 18 năm tù đối với Nguyễn Quỳnh Anh Vũ (do chưa đủ tuổi); 18 tháng tù đối với Phan Thanh Sơn; Trần Văn Chánh 1 năm tù, cùng phạm tội che giấu tội phạm; Lê Hoài Nam và Nguyễn Thị Bích Phương cũng lãnh án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về hành vi không tố giác tội phạm.