Lửa cách mạng trong phong trào thanh niên Hà Nội những ngày Tổng khởi nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong không khí cả nước hân hoan mừng Ngày Quốc khánh 2/9, Pháp luật Việt Nam xin lược ghi những dòng hồi ức của cố Trưởng Ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh (nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu - 1945) để nhớ lại những ngày tháng hào hùng của Thủ đô tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ông Vũ Oanh - thứ 2 từ trái sang - đón tiếp ông Nguyễn Thiện Nhân tại nhà riêng. ( ảnh chụp từ ảnh treo tại gia đình)
Ông Vũ Oanh - thứ 2 từ trái sang - đón tiếp ông Nguyễn Thiện Nhân tại nhà riêng. ( ảnh chụp từ ảnh treo tại gia đình)

Thành lập tổ chức yêu nước đầu tiên trong Trường Bưởi

Theo lời kể, khi còn học ở trường tiểu học (1936 - 1939), ông Vũ Oanh đã được thầy giáo và nhất là được người anh ruột giác ngộ về tinh thần yêu nước, về cách mạng và Đảng Cộng sản, nên khi vào học ở Trường Bưởi, tuy tuổi đời còn rất trẻ, ông đã sớm nhận ra thế nào là thân phận của một người dân mất nước. Không bắt được liên lạc với tổ chức, ông mò mẫm tự tìm con đường để hoạt động. Ông đã đứng ra tập hợp những bạn học thân thiết, gắn bó với nhau và cùng chí hướng trong Trường Bưởi khóa 1939 - 1943 và các khóa sau thành lập Đội Ngô Quyền để noi gương các bậc danh nhân tiền bối. Đội được thành lập tháng 9/1940. Đây là tổ chức yêu nước bí mật, cách mạng có khuynh hướng macxit đầu tiên hoạt động ngay trong Trường Bưởi.

Lúc mới thành lập, Đội có 8 người là: Phùng Văn Phúc, Nguyễn Viết Tiết (tức Nguyễn Anh Bảo), Vũ Văn Mai (tức Vũ Quang), Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc), Lã Triều Khu, Lê Quân (tức Nguyễn Diệp Cầu), Tô Xuân Chiêu và ông Vũ Oanh làm Đội trưởng. Những hoạt động của Đội chủ yếu đi vào sinh hoạt đời thường của học sinh; giúp nhau học tập giỏi để mở rộng kiến thức và tạo được uy tín trong học sinh nhằm chống lại luận điệu xấu nói rằng: “Chỉ học sinh dốt mới tham gia hoạt động cách mạng”.

Sau một thời gian hoạt động, số đội viên đã lên tới 40 người. Lúc này, để tránh sự dòm ngó của mật thám, đội Ngô Quyền xin gia nhập đoàn SET (Section d’excurision et de tourisme), tức đoàn Rồng, là tổ chức học sinh được nhà trường cho phép thành lập hoạt động công khai. Từ đây, đội Ngô Quyền đã tạo được điều kiện để công khai trong một số hoạt động cần thiết. Ông Vũ Oanh đã đề xuất nhiều cách thức hoạt động như đi thăm những di tích lịch sử ở Đền Hùng, Cổ Loa..., vừa bồi dưỡng cho nhau về niềm tự hào dân tộc, vừa giúp nhau xây dựng chí hướng trong học tập, noi gương các anh hùng dân tộc để phụng sự cho dân, cho nước.

Bên cạnh những hoạt động nói trên, ông và một số anh em đã bí mật tìm những “sách cấm” nói về lòng yêu nước, chống thực dân đế quốc, nói về cách mạng cho anh em trong Đội học để bồi dưỡng tư tưởng và kiến thức cách mạng, tuyên truyền phát triển tổ chức. Trong quá trình ấy, ông và anh em Đội Ngô Quyền đã tích cực tìm bắt liên lạc với tổ chức của Đảng. Đồng thời, chính nhờ các hoạt động của Đội mà tổ chức của Đảng đã quan tâm tìm hiểu. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đội Ngô Quyền đã được Đảng công nhận là tổ chức yêu nước cách mạng.

Sôi sục phong trào thanh niên trong những ngày Cách mạng Tháng Tám

Ông Vũ Oanh - người ngồi ngoài cùng bên trái - và các đồng chí, đồng nghiệp. (ảnh chụp từ ảnh treo tại gia đình ông Vũ Oanh)

Ông Vũ Oanh - người ngồi ngoài cùng bên trái - và các đồng chí, đồng nghiệp. (ảnh chụp từ ảnh treo tại gia đình ông Vũ Oanh)

Năm 1941, Bác Hồ về nước chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941). “Bài toán” lớn của cách mạng Hà Nội khi đó là làm thế nào xây dựng lại, phát triển và bảo vệ được lực lượng Đảng và quần chúng cách mạng, làm thế nào để khi tình thế thuận lợi, cách mạng có thể nổi dậy vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền…

Vào một chiều đầu năm 1942, thông qua mối quan hệ của các bạn học lớp trên, ông Vũ Oanh bắt được liên lạc với ông An (tên thật là Quý) trong Ban Cán sự Thành ủy Hà Nội. Sau đó, ông được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh Hà Nội. Một thời gian sau, lần lượt các đội viên Đội Ngô Quyền Trường Bưởi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc. Ông Vũ Oanh được cử làm Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội. Nhiệm vụ của Ban Chấp hành được Ban Cán sự Thành ủy giao là đẩy mạnh việc phát triển phong trào thanh niên toàn TP.

Từ đây, những đội viên Đội Ngô Quyền đã trở thành những đoàn viên tích cực nòng cốt của lực lượng thanh niên cứu quốc Trường Bưởi. Thanh niên cứu quốc Trường Bưởi là hạt nhân của Đoàn Thanh niên cứu quốc toàn TP Hà Nội trong suốt quá trình chuẩn bị lực lượng, xây dựng cao trào cách mạng mạnh mẽ trong mọi tầng lớp Nhân dân để sẵn sàng và kịp thời nắm bắt khi thời cơ đến, tiến tới Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội.

Ông Vũ Duy Trương, tức Vũ Oanh (1924 - 2022), giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ trọng trách trong Đảng và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020…

Dấu mốc đáng nhớ với ông Oanh là tháng 9/1942, vào một buổi chiều tại điếm canh trên đê Gia Lâm, ông và ông Hoàng Văn Khánh, đầu mối của phong trào công nhân đã được ông An tuyên bố kết nạp vào Đảng. Mấy tháng sau, ông An lại tổ chức Hội nghị thành lập Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh TP Hà Nội. Ban Chấp hành gồm có 3 người, trong đó ông Oanh là đại diện của Thanh niên cứu quốc. Cũng tại Hội nghị này, ông Oanh được đề cử làm Chủ nhiệm Việt Minh TP Hà Nội.

Bắt được liên lạc với Đảng, được hoạt động trong tổ chức quần chúng của Đảng, ông mới biết rõ lực lượng đảng viên và các đoàn viên cứu quốc còn rất mỏng, có thể nói quá mỏng so với nhiệm vụ phải gánh vác và chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của Nhân dân Hà Nội. Mặc dù tình thế như vậy, những đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc vẫn giữ vững niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng và những hạt giống của Đoàn đã lan rộng ngọn lửa cách mạng trong phong trào thanh niên, học sinh Hà Nội.

Tháng 3/1945, dựa vào một số nòng cốt, tại nhà ông Tạ Hoàng Cơ, trong ngõ Tô Hoàng, ông Oanh thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai và cử ông Cơ làm Bí thư. Sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ Mặt trận Việt Minh như viết truyền đơn, biểu ngữ và bí mật tán phát ở nhiều nơi trong phố Bạch Mai. Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai còn tổ chức ra Đội tự vệ cứu quốc, với 155 đội viên.

Ngoài ra, ông Oanh còn chủ trương cho số đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai có mối quan hệ với một số cơ sở khác trong phạm vi Hà Nội và các vùng lân cận như các phủ Hoài Đức, Thường Tín... của Hà Đông hoạt động, tuyên truyền cho phong trào Việt Minh và xây dựng tổ chức cách mạng trên các địa bàn đó.

Nổi bật, trong các ngày 17 - 19/8/1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai đã tập trung khối đông thanh niên cùng với công nhân, viên chức đi dự mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn. Khi cuộc mít tinh chuyển sang tuần hành, một số đội viên tự vệ Bạch Mai có vũ khí đã hòa vào với số thanh niên khu phố khác đến trụ sở của hiến binh Nhật ở 39 Trần Hưng Đạo đấu tranh đòi Nhật thả những thanh niên Việt Nam bị bắt trước đây. Do kiên trì đấu tranh, kết hợp khéo thuyết phục, cuối cùng Nhật phải thả những người bị chúng bắt giữ.

Đoàn Thanh niên cứu quốc Bạch Mai đã cử một số đoàn viên và tự vệ cứu quốc từ Bạch Mai sang phối hợp với số nòng cốt ở Hoài Đức, biến cuộc mít tinh thành cuộc vũ trang tuyên truyền và thông qua đó giành chính quyền tại xã Hạ Trì. Đây là cuộc cướp chính quyền trước nhất của tỉnh Hà Đông và các địa phương xung quanh Hà Nội. Các đảng viên, đoàn viên nội thành có điều kiện thì tham gia xây dựng cơ sở và phong trào ngoại thành. Lực lượng tự vệ và thanh niên cứu quốc lớn mạnh, mở rộng phong trào đấu tranh kết hợp giữa nội thành và ngoại thành, tham gia rải truyền đơn, dán áp-phích khắp nơi…

Tất cả những hoạt động của các tổ chức cứu quốc trên đây đã góp phần tạo nên không khí sôi sục cách mạng của thanh niên Hà Nội trước ngày Tổng khởi nghĩa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Vũ Oanh đã sớm giác ngộ tham gia cách mạng, qua 65 năm hoạt động đã trở thành một người Cộng sản mẫu mực, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng có phẩm chất và tài năng. Đồng chí đã có nhiều công lao tham gia xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám”.

Đọc thêm