Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã dự Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử ĐBQH lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội. Hội nghị do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức.
Diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/4), các ứng cử viên dự hội nghị được nghe các báo cáo viên cung cấp kiến thức cơ bản về Quốc hội; vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách ở Trung ương; quy trình pháp luật về bầu cử và vận động bầu cử; kỹ năng vận động bầu cử; kinh nghiệm, kỹ năng trong xây dựng, trình bày chương trình hành động; kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc báo chí. Đặc biệt, hội nghị cũng tổ chức thực hành cho các ứng cử viên về xây dựng chương trình hành động và diễn tập buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, ĐBQH chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp quan trọng của ĐBQH chuyên trách.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chỉ đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp là rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45, Hội đồng Bầu cử quốc gia và UBTVQH có nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị cụ thể. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều có kế hoạch triển khai công tác bầu cử, quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử để bầu ra được những đại biểu bảo đảm chất lượng, không để lọt vào Quốc hội, HĐND những đại biểu không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ, với mỗi ứng cử viên ở các vị trí công tác, độ tuổi, chuyên môn, địa bàn ứng cử khác nhau, bên cạnh đó không khí dân chủ, dân trí của cử tri, người dân ngày càng được nâng lên, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn… do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hiệp thương lần 1, lần 2 đã thành công tốt đẹp, hiện đang tiến hành hiệp thương lần 3 trong cả nước. Chia sẻ với những áp lực mà các ứng cử viên ĐBQH phải đối mặt, nhất là các ứng cử viên lần đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các ứng cử viên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý. Đồng thời, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách, thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác tại Quốc hội để cử tri tin tưởng bỏ phiếu.