Lúa Rục Làn đượm mồ hôi bộ đội

"Lần đầu, ngâm ủ thóc giống hai, ba lần không thấy nảy mầm, lo lắng vô cùng. Hết tìm sách đọc, lại hỏi các chuyên gia thì nhận ra rằng, mùa đông ở Minh Hoá kéo dài và lạnh hơn đồng bằng nên cần lùi thời vụ gieo cấy. Có lúc, lúa đang trổ bông đều tăm tắp thì lại gặp nạn chuột và côn trùng, bộ đội mắc màn ngủ ngay tại ruộng để bảo vệ...", Thượng úy Phạm Xuân Ninh kể.

Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ đưa chén rượu lên ngang mặt, khấn: “Hôm ni ngày 16 tháng Giêng, người Rục, người Sách  làm một mâm lễ đạm bạc xin thần núi, thần sông, xin trời, xin đất cho đồng bào xuống đồng, cùng với bộ đội biên phòng làm nên một mùa lúa mới bội thu, để cánh đồng lúa Rục Làn mãi mãi xanh tươi, để đồng bào không còn đói khổ”…

Làm lễ xuống đồng
Làm lễ xuống đồng

Hết đói nhờ cây lúa nước

Trước đó một ngày, Trung tá Trịnh Thanh Bình- Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 (huyện Minh Hoá, Quảng Bình)-  gọi điện cho chúng tôi, tha thiết: “Mời các anh lên, ngày mai bộ đội cùng bà con xuống đồng gieo lúa vụ đông xuân 2011- 2012 đó. Nhớ lên nghe!”. Đã từng nghe kể về những gian nan khi bộ đội biên phòng đưa cây lúa nước về với đồng bào Rục, tôi cảm nhận được niềm háo hức, tự hào trong giọng nói của người Đồn trưởng…

2 năm trước, cây lúa nước “bén duyên” với đồng bào Rục, đồng bào Sách từ chủ trương của đơn vị trong việc 2 ha lúa nước để giải quyết lương thực tại chỗ cho bà con, giúp bà con “no cái bụng” để định canh, định cư. Kết quả thu hoạch khá, thế là năm 2010, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh mạnh dạn kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Bình để giúp đồng bào làm lúa nước với diện tích lớn hơn. Cùng với dự án xây dựng đập nước Rục Làn, bộ đội Biên phòng đã tổ chức khai hoang trên những triền núi đá vôi chênh vênh để đến nay, đã có hơn 10ha làm lúa nước cho bà con.

Với đồng bào miền xuôi, trồng lúa nước là “chuyện thường ngày” nhưng ở đây lại là một việc rất xa lạ. Vậy là bộ đội lại phải bắt đầu từ việc giảng giải những kiến thức sơ đẳng nhất: giống lúa là gì, tạo sao phải ngâm ủ giống, phân bón có tác dụng ra sao… Có giống, có phân rồi, các chiến sĩ đồn 585 lại xắn quần, xuống ruộng làm trước cho bà con làm theo, rồi “cầm tay chỉ việc” từng ly từng tý để bà con quen dần với việc cấy, hái…

Ủ phân xanh cải tạo đồng ruộng
Ủ phân xanh cải tạo đồng ruộng

Lần đầu chứng kiến “Lễ xuống đồng” của bà con nên chúng tôi cũng háo hức và quyết định thực hiện chuyến hành trình từ Đồng Hới vào cánh đồng Rục Làn (xã Thượng Hóa) bằng xe máy. Qua con đường đầy bùn đất, sỏi đá lầy lội nối đường Hồ Chí Minh với bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, ngay trước Đồn Biên phòng 585, một không khí náo nức trải ra trước mắt: người già, người trẻ, nam thanh, nữ tú… trong những trang phục tươm tất, rủ nhau về phía cánh đồng Rục Làn cùng bộ đội xuống đồng.

Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi trước lúc gieo hạt giống lúa mới, Trung tá Trịnh Thanh Bình cho hay: “Đồng bào còn xa lạ với cây lúa nước, nhưng chúng tôi- những người lính biên phòng- nguyện đồng cam cộng khổ với bà con, giúp bà con thoát khỏi đói nghèo. Những lần lũ lụt chia cắt hàng tháng trời, bộ đội vẫn sát cánh cùng đồng bào chăm lo cho cánh đồng Rục Làn. Đông xuân năm nay, bà con  nhận được nhiều sự hỗ trợ: Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng giúp đồng bào một máy cày, một máy tuốt lúa; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đầu tư xây dựng thêm một đập nước; huyện Minh Hóa giúp phân bón, thuốc trừ sâu; C ty CP giống Quảng Bình giúp giống lúa và hướng dẫn kỹ thuật… Dự kiến sau 1 tuần lễ, công đoạn làm đất và xuống giống trên cả cánh đồng sẽ được hoàn tất”.

“Cảm ơn bộ đội”

Trên cánh đồng, chúng tôi gặp những khuôn mặt “một nắng hai sương” với Rục Làn như Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ Cao Tiến Thuỳnh; Trưởng bản Trần Trung Trực; Thượng uý Phạm Xuân Ninh- người được mệnh danh “kỹ sư nông học” của người Rục, người Sách; Đồn phó trinh sát Võ Đình Thuần- người đã có nhiều kinh nghiệm làm lúa nước ở Lệ Thủy… Tất cả họ đều đã  trải không ít nhọc nhằn để có một Rục Làn hôm nay.

Là một trong những người đầu tiên được bộ đội Biên phòng dạy làm lúa nước, ông Trần Trung Trực kể: “Khi bộ đội Biên phòng họp dân để làm lúa nước, dân bản không ai hiểu. Họ nói cán bộ mần đi miềng coi cái đã. Bộ đội giải thích làm lúa là có gạo, khó mà đói cái bụng, mần đi biên phòng sẽ giúp đỡ, rứa là mần, chừ được to”.

Cùng “được to” như ông Trực, Bí thư Chi bộ Cao Tiến Thuỳnh cười nói: “Vụ vừa rồi, nhà tao thu được đầy bồ thóc. Cả bản ni cũng rứa, hết lo đói ăn rồi. Các cán bộ chừ không lo nữa. Lịch thời vụ, chăm bón, phun thuốc bà con đã thành thạo hết rồi”. Hoà theo niềm vui của Bí thư Chi bộ, chị Đinh Thị Liên- bản Mò O Ồ Ò – nói: “Hai vụ trước nhà thu về được năm tạ lúa. Năm ni phải cố gắng được một tấn lúa, để lấy đó cho các con ăn học”.

Nước về
Nước về

Nhớ lại thời kỳ khó khăn 1-2 năm trước, Thượng úy Phạm Xuân Ninh kể: “Để có hơn 10 ha ruộng, các chiến sĩ biên phòng cùng bà con phải xúc hết lớp đất màu trên mặt, gom cất đi. Khi san ủi hàng tấn đá, sỏi xong mới rải đất màu lên. Có mặt bằng rồi, phải đưa nước vào ngâm và dùng phân xanh ủ ruộng,  bón hóa chất để trung hòa can-xi trong nước.

Lần đầu, ngâm ủ thóc giống hai, ba lần không thấy nảy mầm, lo lắng vô cùng. Hết tìm sách đọc, lại hỏi các chuyên gia thì nhận ra rằng, mùa đông ở Minh Hoá kéo dài và lạnh hơn đồng bằng nên cần lùi thời vụ gieo cấy. Có lúc, lúa đang trổ bông đều tăm tắp thì lại gặp nạn chuột và côn trùng, bộ đội mắc màn ngủ ngay tại ruộng để bảo vệ. Bà con thương bộ đội, đưa cơm và nước uống đến tận ruộng để động viên”.

Khi chúng tôi về, trên cánh đồng Rục Làn, cờ Tổ quốc đang bay phấp phới. Bà con nói: “Cờ Tổ quốc là Bác Hồ, là Đảng dẫn đường, để dân bản mình theo”…

Thanh Long - Khoa Lâm

Đọc thêm