Luật An toàn thực phẩm vẫn “ì ra trên giấy”

Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực hơn hai năm, nhưng bất chấp việc có luật, bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng, thực phẩm “bẩn” vẫn tồn tại khiến người dân hoang mang.

Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực hơn hai năm, nhưng bất chấp việc có luật, bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng, thực phẩm “bẩn” vẫn tồn tại khiến người dân hoang mang.

Tang vật trong một vụ phát hiện bắt giữ thực phẩm bẩn...
Tang vật trong một vụ phát hiện bắt giữ thực phẩm bẩn...

Vấn nạn thực phẩm “bẩn”

Giờ không chỉ vào mỗi dịp cuối năm cận Tết, mà quanh năm, thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan sau khi được “phù phép” tinh vi bằng các loại hóa chất (dù không biết chính xác tên nhưng ai cũng biết là độc hại) khiến người tiêu dùng dù thông minh đến đâu cũng phải ngậm ngùi “khuất mắt trông coi”, đành phải “liều mạng” mỗi khi ăn uống.

Công an Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cứ vài ngày lại phát hiện, thu giữ trên đường vận chuyển hàng tấn nội tạng, thịt lợn, gà qua sơ chế, đóng vào các thùng xốp, ướp bằng dung dịch hoá chất chống phân hủy, cả những loại thực phẩm “cao cấp” như thịt nai, đà điểu, lạc đà… được “hô biến” từ thịt lợn. Lực lượng hải quan tại các cửa khẩu quốc tế cũng bắt giữ nhiều loại củ, quả chưa được kiểm dịch, gà thải, xúc xích hôi thối, nội tạng động vật…

Những vụ việc gà được “thổi lớn” bằng kháng sinh trong 45 ngày để cung ứng cho các cửa hàng, trứng gà giả, hoa quả ngâm hóa chất “để cả tháng không thối”, chuối, đu đủ “bơm” hóa chất qua một đêm đã chín vàng… là đề tại “nóng” tại bất kỳ diễn đàn nào.

Ngay Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận có hiện tượng sử dụng hóa chất lạ để ủ chín, làm đẹp chuối, đu đủ nhưng không hiểu lý do gì mà các “cơ quan chức năng chưa xác định chính xác loại hóa chất này”. Trong khi chờ các cơ quan chức năng công bố được loại hóa chất đó là gì, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào thì hàng trăm nghìn quả chuối, quả đu đủ vẫn được ngang nhiên tiêu thụ tại các chợ dân sinh, siêu thị, các cửa hàng hoa quả… hàng ngày.

Trong khi đó, với lý do “các nước thành viên WTO cho rằng Việt Nam “không đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào suốt hơn hai năm qua, kể từ khi có lệnh cấm vào tháng 7/2010 (do phát hiện một số lô hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm)” là vi phạm quy định của hiệp định SPS trong việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng”, nên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Phó Thủ tướng đề xuất cho phép bắt đầu từ quý 1/2013 nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh (dạ sách trâu bò, dạ dày, tràng, tinh hoàn động vật và mề gà...).

Dù có “kèm” các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, nếu lệnh cấm được gỡ bỏ, như chỉ cho phép nhập từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với VN về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tất cả lô hàng nhập đều phải được giám sát và lấy mẫu 100% số lô hàng để kiểm tra, hàng không đạt yêu cầu hoặc có nguồn gốc từ nước chưa được phép sẽ bị buộc tái xuất…, nhưng công văn này vẫn bị các chuyên gia và dư luận buộc tội “mở đường cho thực phẩm “bẩn” công khai tấn công sức khỏe cộng đồng” bởi hầu như những nước xuất khẩu nội tạng là do thị trường trong nước không tiêu thụ và nội tạng chứa rất nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe con người.

Bao giờ Luật mới “từ giấy bước ra”?

Một trong những quyền của người tiêu dùng thực phẩm theo khoản 1, Điều 9 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 là được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm.

Song thực tế, việc cơ quan chức năng “lên tiếng” đối với những thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, hay áp dụng các biện pháp để “xử lý nghiêm” như tuyên bố trước mỗi đợt cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì hoàn toàn… chậm chạp hoặc “trôi vào hư vô”, để mặc người dân “sống hay chết là do có thông minh khi lựa chọn sản phẩm, hàng hóa hay không”.

Từ những thông tin của các Bộ chức năng tại cuộc giao ban trực tuyến của Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố về an toàn vệ sinh thực phẩm đầu tháng vừa qua và trách nhiệm của các Bộ Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công thương, Ủy ban nhân dân các cấp trước sức khỏe của hơn 80 triệu người dân; cho thấy rõ ràng công tác quản lý, kiểm soát, kiềm chế, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” hay rộng hơn là thực hiện đúng qui định của pháp luật về an toàn thực phẩm chưa đạt hiệu quả.

Điều 6 Luật an toàn thực phẩm đã qui định rõ về “xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính “được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm”. Điều đáng nói là thực phẩm “bẩn” sẽ chẳng bao giờ đáng giá nên dù có phạt 7 lần, thậm chí 70 lần cũng chẳng có tác dụng răn đe gì.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, một nguyên nhân của tình trạng này là việc xử phạt các sai phạm về an toàn thực phẩm tại tuyến cơ sở, nhất là xã, phường, còn buông lỏng, đa số chỉ nhắc nhở.

Bên cạnh đó, qui định “bị truy cứu trách nhiệm hình sự” được đưa ra cho có vậy thôi chứ chưa có chủ hàng hay người vận chuyển nào bị truy cứu dù kinh doanh thực phẩm “bẩn”. Năm 2012, cả nước vẫn xảy ra 168 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó số vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình tăng 16 vụ so với năm 2011, số người mắc tăng 643, số người nhập viện tăng 308, chủ yếu liên quan rượu, nấm, bánh trôi ngô và 28 người đã tử vong.

Và hậu quả của “phép so sánh” giữa lợi nhuận “khủng” và “cùng lắm mất mấy triệu tiền phạt” nên nhiều người vẫn lao vào buôn bán loại hàng độc hại này, còn người dân phải chịu hậu quả khi cơ quan chức năng không thể làm gì được thực phẩm “bẩn”; còn các qui định “cứng rắn” của Luật an toàn thực phẩm vẫn cứ “ỳ ra trên giấy”.

Hải Nhật

Đọc thêm