“Luật” bất thành văn trong nghề tảo mộ thuê ngày Tết

(PLO) - Tết đến, gia đình nào cũng cần quét dọn nồi hương bát nước, tu sửa phần mộ tổ tiên. “Có cung ắt có cầu”, tại nghĩa trang Gò Cà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đã hình thành nên cả một đội quân chuyên đi tảo mộ thuê và “nghề” này đã giúp không ít gia đình nghèo ở quê có được cái Tết ấm no, trọn vẹn hơn.
Những người làm nghề tảo mộ thuê tại nghĩa trang Gò Cà
Những người làm nghề tảo mộ thuê tại nghĩa trang Gò Cà
Người nghèo sống khỏe trên “đất chết” 
Những ngày cuối năm, có mặt tại nghĩa trang Gò Cà, nơi được quy hoạch chôn người chết của cả Đà Nẵng, không khỏi bất ngờ bởi nơi đây luôn đông đúc và nhộn nhịp, khác xa với cảnh hoang vắng ngày thường. Hàng trăm người cào cỏ, quét vôi và rửa sạch những lớp rong rêu bám trên mộ, thay ly tách, bát nhang hòa nhịp cùng tiếng nói cười…. Tuy nhiên, phần lớn không phải con cháu người nằm dưới mộ, mà là những người tảo mộ thuê.
Ông Trần Tân (SN 1947), người có thâm niên làm việc này lâu nhất ở đây cho biết, nhiều người coi đây như một cái nghề. Ở nghĩa trang Gò Cà, nghề này xuất hiện từ hơn 20 năm về trước. Ban đầu, vì con cháu người chết bận công việc hay xa quê, một vài người sống gần nghĩa trang như bác Tân được thuê cuốc đất, dọn cây cỏ dại quanh mộ vào dịp chạp mả dịp cuối năm hay thanh minh. 
Theo thời gian, nghĩa trang không ngừng gia tăng “dân số”, khiến nơi đây hình thành cả một đội quân “sống nhờ đất chết”. Những người đến với nghề này chủ yếu là nông dân, lao động nghèo, sinh viên xa quê muốn kiếm thêm tiền. Để công việc đi vào nề nếp, một số người còn tổ chức đứng ra quản lý “nhân công”, trả lương, tìm “cầu”, được gọi là chủ thầu. 
Ở Gò Cà, hiện có trên 15 “đội quân” của các cai thầu. Trước đây họ vốn cũng có cuộc sống vất vả, làm ruộng cày cấy quanh năm không đủ ăn, cuối năm ra nghĩa trang giúp chủ mộ một số công việc để nhận lấy cái bánh, phần quà về cho con. 
Nghề tảo mộ thuê phát triển dần, họ “lên chức” chủ thầu. Trước đây, trong công việc cũng gặp không ít khó khăn bởi có sự cạnh tranh giữa các đội quân từ người dân Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) kéo ra giành làm. 
Về sau, “lãnh địa” mới được phân chia rõ ràng, không được đụng nhau, người nhiều nhất như “chủ thầu” Bốn Thời “ôm” đến hơn 1.000 mộ, bà Bảy cũng trên cả ngàn, ông Tân khoảng 700, người ít nhất cũng có hơn trăm mộ, cứ thế quản lý từ năm này sang năm khác.
Anh Lê Văn Tiên (quê Đại Lộc, Quảng Nam) một thợ nề lành nghề nhiều năm liền phải chịu cảnh thất nghiệp, nằm nhà dài dài vì thời buổi đất đai đóng băng, xây dựng đìu hiu. Anh xuống Đà Nẵng làm “thợ đụng”, rồi tình cờ được giới thiệu đến với nghề tảo mộ thuê. 
Sau bốn năm “biên chế” trong đội của chủ thầu Bốn Thời, với bản tính siêng năng, anh được nhiều chủ mộ ưng ý, dần thành quen. Mỗi năm, anh cùng 10 người trong đội “ra quân” vào ngày 20 Tết hoặc sớm hơn, tùy vào phần mộ mà chủ thầu “quản lý” nhiều hay ít cho đến khi kết thúc năm. Công việc của từng người phải dọn sạch những vết bẩn, cây cỏ bám trên mộ, thắp nhang. Tùy vào hoàn cảnh từng chủ mộ, có khi còn thuê luôn cả việc cắm hoa, bày trái cây, thay rửa ly nước...
Nghe qua công việc, thấy có vẻ nhẹ nhàng, nhưng để dọn sạch hàng trăm ngôi mộ cũng bở hơi tai. Từng chút một, người tảo mộ thuê dùng bàn chải sắt đánh nấm mốc bám trên mộ cho đến khi trắng bóc. Trời cuối năm lạnh lẽo, tay phải cọ xát liên tục, cuối ngày nào cũng tấy đỏ, xước đau rát. Nhiều lúc, để làm trắng những ngóc ngách, người làm phải bò lê lết, cả người tê cứng. Bù lại là phần thù lao, mỗi cái Tết ai cũng có khoảng gần 10 triệu đồng, đủ để lo cái Tết tinh tươm. 
Tương tự, chị Huỳnh Thị Mai, chị Hồ Thị Lại (quê Điện Bàn, Quảng Nam) đang làm công nhân may mặc trong một khu công nghiệp những ngày giáp Tết cũng xin tạm nghỉ, xin “đầu quân” tảo mộ thuê. Hai chị so sánh, một tháng làm công nhân tăng ca “trối chết”, các chị cũng chỉ nhận khoảng ba triệu, trừ chi phí ăn uống, đi lại thì chẳng còn bao nhiêu. Chi bằng cuối năm ra đây làm ít ngày, cả hai cũng dư dăm bảy triệu mang về sắm sửa Tết cho người thân, gia đình.
Tảo mộ cũng có “luật”
Điều đặc biệt, nghề này luôn có những quy định ngầm, không chỉ cấm “lấn sân” đối với chủ thầu, mà kể cả chủ mộ cũng không được dẫn nhóm này sang làm ở khu kia, còn người làm công luôn tuyệt đối trung thành với một chủ. 
Có những chủ mộ không yêu cầu, chủ thầu vẫn cho người dọn dẹp. Đó là cả một nghệ thuật lấy lòng, vừa lấy tiền gia chủ và một cách để “bắt mối” làm ăn. “Có thể chủ mộ không yêu cầu nhưng người ta sẽ cảm ơn, rồi sẽ giới thiệu cho công việc xây mộ”, ông Bốn Thời nhẩm tính. 
Thật ra sẽ không lỗ, những ngày Tết chủ mộ đi thăm mộ ông bà tổ tiên, thấy mộ sạch sẽ khang trang, chẳng ai nỡ tiếc tiền thưởng vài chục ngàn. Cứ như vậy trong cả ba ngày Tết, chủ thầu đứng thu tiền. Nếu lỡ có ai... quên, ra Giêng họ đến nhà lấy. Với hàng ngàn ngôi mộ, số tiền chủ thầu thu về là không ít.
“Có điều khi làm việc này, chúng tôi vẫn đặt chữ tâm lên trên hết”, ông Bốn Thời tâm tình. Theo ông, bình thường làm cái gì cũng có thể có lúc qua loa đại khái, nhưng với cái nghề tảo mộ thuê, ai cũng mang một nỗi sợ mơ hồ. Làm không tốt, sẽ có tội với người âm, “ăn” dày quá thì  hậu vận của mình, con cháu mình cũng chẳng ra gì. 
Ở nghĩa trang truyền tụng không ít câu chuyện đầy chất ma mị như một chủ thầu quê Đại Hiệp vì tham lam, luôn “bắt chẹt” người làm, quét tước gian dối nhưng bắt chủ mộ phải trả công nhiều, nên bị người âm “quở trách” phải “tử nghiệp” rất vô lý. 
Năm đó, ông này rất khỏe mạnh, đang đứng trên một mô đất thấp để coi sóc nhân công làm việc, tự nhiên lại sảy chân té ngã. Tưởng chỉ trầy xước đơn giản, ai ngờ đưa về đến nhà, ông từ từ lịm dần, sau này được xác định tử vong vì chấn thương sọ não. Hay như một số người làm thuê đã kỳ cọ, dọn dẹp phần mộ chỉ để lấy số lượng, kiếm tiền nhiều cũng không thể trụ lâu được với nghề dù họ rất muốn vì hễ ra làm là bị trật tay, kẻ bỗng dưng dị ứng với vôi...
Ngược lại, những người tảo mộ thuê cũng tin rằng nếu có tâm tốt, họ sẽ rất ăn nên làm ra. Một chủ thầu tươi cười: “Tính toán tiền nong gì ở cái “xứ âm binh” ni. Toàn người quen hết, ai biết thì cho tiền, rồi mình trả lại người làm thuê để họ kiếm thêm cái ăn, cái mặc. Bằng không, mình làm phúc để năm hết Tết đến, người chết có “ngôi nhà” tinh tươm, người sống cũng đỡ áy náy với phần mộ tổ tiên”.