Chuyện ở ngôi làng trải chiếu cho xe chạy

(PLO) - Khách đến chơi không khỏi ngạc nhiên thấy những tấm chiếu được trải dài ra trên những con đường phơi nắng, mặc xe cộ chạy qua. Người ta nói vui không nơi nào “sang” bằng Định Yên, trải chiếu cho xe chạy. 
Một góc làng chiếu Định Yên
Một góc làng chiếu Định Yên
Làng chiếu Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) những ngày cuối năm đâu đâu cũng thấy màu xanh, đỏ, tím, vàng của những bó lát được người dân dệt chiếu nhuộm vàng óng rồi phơi cặp hàng rào ven đường.
“Luật” đặc biệt người bán đi tìm người mua
Ông Út Lém (ngụ ấp An Khương), tuổi ngoài 60 tuổi tay vót những sợi lát, sợi gai, miệng cười: “Lúc nhỏ tui từng hỏi ba tui nghề dệt chiếu quê mình có từ bao giờ. Ông cười nói với tui hồi nhỏ ba cũng hỏi ông nội con như vậy, ổng nói từ lúc sinh ra đã thấy cha mẹ ngồi dệt chiếu rồi. Nói như vậy để biết nghề chiếu ở đây ngót vài ba trăm năm chứ chẳng chơi”. 
Ngày xưa dệt chiếu bằng tay vất vả, để đan được một đôi chiếu phải hai người cùng chăm chỉ ngồi bên khung dệt, cả ngày cũng chỉ được hai đôi. Ngày nay chiếu dệt bằng máy, số lượng nhiều, thì người dệt chiếu lại lao đao tìm đầu ra cho sản phẩm. 
Dù vậy nhưng ông Út vẫn tươi cười: “Khó khăn đến đâu cũng ráng bám lấy nghề. Ngày xưa ông bà sống được, nay mình cũng không thể bỏ được, phải giữ lấy nghề truyền thống”.
Chợ chiếu Định Yên là một phiên chợ vô cùng đặc biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày trước chiếu Định Yên nổi tiếng khắp vùng về độ bền, đẹp, màu sắc bắt mắt nên hằng ngày những ghe xuồng cập bến sông mua chiếu đông nghịt. Những lá chiếu đủ màu sắc được bán ra hàng nghìn chiếc mỗi ngày, còn mang qua Campuchia. 
Chợ chiếu còn có tên là chợ ma, chợ âm phủ vì ngày xưa phải họp chợ vào lúc nửa đêm để tránh sưu cao, thuế nặng, riết rồi thành quen. Lúc đầu chợ chỉ họp bên cạnh những bến sông, người bán chiếu ôm chiếu ra bờ chờ các thương lái đến mua, hoặc bơi xuồng đến tận các xuồng buôn chào hàng. Lúc trời tối, những ngọn đèn dầu thắp sáng cả một khúc sông. 
Hàng trăm năm trước, người làng đã theo nghề dệt chiếu
Hàng trăm năm trước, người làng đã theo nghề dệt chiếu 
Sau này một thời gian chợ dời về trước sân chùa An Phước, vẫn với thời gian và “luật lệ” như cũ. Chợ không có nhà lồng hay sạp, quầy, chỉ có người người vác chiếu đi lại, lên xuống ghe. Phiên chợ từ khoảng 11h đêm cho đến rạng sáng, khung cảnh không ồn ào náo nhiệt, chỉ ánh đèn dầu, đèn mù u leo lét, đủ ánh sáng cho thương lái nhìn thấy mặt chiếu đẹp xấu, đếm chiếu rồi ngã giá đếm tiền. 
Điều đặc biệt khác, những người đi mua chiếu lại ngồi yên, trong khi những người bán lại vác chiếu trên vai đi chào hàng, mời mọc người mua. Người mua thấy chiếu vừa ý thì đếm chiếu trả tiền, nếu không vừa ý thì người bán lại vác chiếu đi chào tiếp. Mờ sáng, những chiếc ghe chở đầy chiếu quay mũi chở chiếu đi bỏ mối, hay bán dạo khắp vùng sông nước miền Tây.
Chợ chiếu không còn người họp chợ
Từ đầu làng cuối xóm đều nghe những âm thanh lạch cạch của máy dệt. Anh Lê Minh Trung, trưởng ấp An Khương cho biết ấp có 1.056 hộ thì hơn 80% làm nghề dệt chiếu, thêm nghề tay trái là một ít ruộng. Những chiếc máy dệt được đưa về từ khoảng 4 - 5 năm nay. Hiện trong ấp có khoảng hơn 200 chiếc máy. Mỗi chiếc chạy hết công suất, mỗi ngày có thể cho ra đến 15 chiếc.
Vì máy dệt chiếu ra đời, nay người làng không khỏi ngậm ngùi khi kể về chợ chiếu Định Yên. Khung cảnh chợ độc đáo ngày ấy đã không còn nữa. Cách đây hơn 10 năm, chợ chiếu Định Yên đã không còn người họp chợ. Từ khi chiếu được dệt nhiều hơn nhờ những chiếc máy dệt với năng suất bằng vài người thợ, những thương lái bạn hàng tìm hẳn đến nhà những hộ dệt chiếu để đặt hàng bán mua. 
Người bán chiếu cũng không còn cảnh ôm chiếu ra chợ để chào hàng mà yên tâm ở nhà dệt chiếu theo đơn đặt hàng của thương lái. Lúc chiếu dệt hoàn tất, chỉ cần gọi điện thoại là thương lái đến tận nhà lấy. Thuận lợi cho kẻ bán người mua, nhưng vô tình mất đi một nét văn hóa đặc biệt của một vùng quê sông nước. Những câu chuyện về chợ ma, chợ âm phủ dần dần sẽ chỉ còn trong kí ức của những người già.
Đường làng Định Yên
 Đường làng Định Yên 
Nhu cầu dùng chiếu không nhiều, cộng với yếu tố giá nguyên vật liệu ngày càng tăng cao, nghề dệt chiếu ngày càng khó kiếm ăn. Anh Văng Thành Vọng, ngụ ấp An Khương cho biết anh mua máy dệt từ bốn năm trước, nhưng phải mất đến hai năm sau mới lấy lại vốn đầu tư máy gần 30 triệu đồng. Hiện giá lát dùng để dệt chiếu khoảng 13.000 đồng/kg, cộng với chi phí cho thuốc nhuộm, chỉ, công thợ, mỗi chiếc chiếu người làm chỉ lãi chưa đầy 20 ngàn đồng. 
Trước kia ở xã Định Yên một số người cũng trồng lát để dệt chiếu, nhưng do loài cây này không hợp với đất đai thổ nhưỡng nên diện tích lát cứ thu hẹp dần rồi mất hẳn. Hiện người dệt chiếu phải mua lát có nguồn gốc ở tận Vũng Liêm (Vĩnh Long) nên giá thành cũng cao hơn hẳn. Lạ một điều là người dân vẫn rất lạc quan tin tưởng bám trụ nghề truyền thống, như lời quả quyết của anh Vọng: “Nghề chiếu này không dễ gì mà mai một được, người dân ở đây không có ruộng đất thì lấy gì mà sống, chỉ có nghề dệt chiếu mà thôi”.

Đọc thêm