"Luật bất vị thân"

(PLO) - Đó là phương châm của ngành Tòa án nước ta và cũng là tiêu chí cần đạt được đối với bất cứ nền công lý nào. 

Để thực hiện được phương châm này cần đến các yếu tố như sự minh bạch của pháp luật, thái độ công tâm và lương tâm người xét xử, kiến thức pháp lý và vận dụng điều luật, bên cạnh đó cũng cần đến bản lĩnh thẩm phán trước những kết luận điều tra còn nghi ngờ, cáo trạng mang tính áp đặt và cả sức ép của dư luận xã hội nữa.

Mới đây có vụ ông già chở tôn đậu xe sai quy định gây nên cái chết thương tâm cho một em học sinh nhỏ. Dư luận tỏ ra thương cảm người gây nên tai nạn, già cả, ốm yếu, cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, gia cảnh nghèo túng, kiếm kế sinh nhai bằng công việc cực chẳng đã và nạn nhân cũng có một phần lỗi.  

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên miễn trách nhiệm hình sự cho ông. Tuy nhiên, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án và vừa qua Viện kiểm sát đã truy tố người đạp xích lô chở tôn làm chết bé trai này về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông”. Phía gia đình nạn nhân cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho ông chứ không đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy tố này là cần thiết bởi các yếu tố nhân thân và xã hội sẽ được xem xét như những tình tiết giảm nhẹ khi xét xử. Nếu bỏ qua trường hợp này sẽ tạo tiền lệ không hay cho các vi phạm giao thông và cho chính sự nghiêm minh pháp luật.

Ở một diễn biến khác, Tòa án Cao cấp TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định hủy cả 2 bản án về trường hợp một nữ bị cáo phạm tội gây thương tích tố cáo nữ Thư ký tòa án đòi hối lộ chạy án.

Chính hành vi tố cáo này đã loại được một “con sâu” ngành Tòa án nhưng người tố cáo đã phải trả giá đắt cho chuyện này: Từ bị tuyên phạt 9 tháng tù ở phiên tòa sơ thẩm, bà ta bị tuyên thành 4 năm tù ở phiên phúc thẩm, cái nơi làm việc của nữ Thư ký tòa án kia. Hơn thế, người thân của bà cũng bị khởi tố tại ngay phiên tòa dù trước đó vô can.

Dư luận hết sức phẫn nộ về bản án này và đòi “làm cho ra nhẽ” với những khuất tất đằng sau, đặc biệt là thái độ “trả đũa” của người xét xử. Không phải là ngồi ghế thẩm phán thì tuyên thế nào cũng được dưới danh nghĩa “chỉ tuân theo pháp luật” và cũng không phải là phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật ngay và thúc giục người ta đi tù như vụ án này.

Giờ thì công lý đã được thiết lập lại, các bản án này đều đã bị hủy do có nhiều sai sót nghiêm trọng, dư luận chờ đợi ở sự công minh pháp luật mang lại sự công bằng cho người đàn bà này, hình phạt tương ứng với tội lỗi gây ra.

Điểm qua 2 vụ việc mới đây nhất để thấy rằng mọi hành vi của con người đều được pháp luật điều chỉnh và nếu đã có sai phạm thì không thể bỏ qua, cho dù người sai phạm có hoàn cảnh đáng thương thế nào. Và cũng như vậy, không thể ra một hình phạt không tương thích với hành vi phạm tội, xử theo ý muốn chủ quan của mình. Đó cũng là biểu hiện của tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đọc thêm