“Những ngày ở trại giam tôi luôn day dứt, đau xót”
Nghe tin ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, tên thường gọi là Bình, quê Hà Nam) sau khi được Viện kiểm sát phê chuẩn đã được Công an quận Hoàng Mai cho tại ngoại về nhà, người thân đưa về nhiều người dân, đồng đội cũ... đã đến nhà động viên thăm hỏi sau những ngày ông bị tạm giam trong trại giam.
Ông Thạch là lái xe chở tôn đỗ trên lề đường Tân Mai khiến bé Trần Minh Hoàng (10 tuổi) đi xe đạp đâm vào tử vong cách đây hơn 10 ngày trước.
Tâm sự với mọi người, ông Thạch cho biết vẫn chưa thôi day dứt và ân hận về những chuyện đã xảy ra. Khuôn mặt khắc khổ, ông Thạch cứ ngồi lặng thinh trong nhà, bản tính thật thà, ít nói thấm sâu vào máu thịt người lính Vị Xuyên một thời.
Ngậm ngùi nhớ lại sự việc, ông Thạch kể: “Hôm đó, tôi chở tôn đến đường Tân Mai thì vào gọi chủ nhà ra lấy. Khi chưa kịp ra đến nơi thì xảy ra sự việc đau lòng”. Ông Thạch cũng bày tỏ, trong quá trình bị tạm giam ở Công an quận Hoàng Mai, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường và không bị mất ngủ.
Theo lời của ông Thạch, trong thời gian ông bị tạm giam, các cán bộ của Công an quận Hoàng Mai cũng rất nhiệt tình, chu đáo, động viên tinh thần cũng như ăn uống. Tuy nhiên, bản thân ông luôn cảm thấy day dứt vì những chuyện đã xảy ra. “Tôi thật sự rất ân hận về những chuyện đã xảy ra với cháu bé, trách bản thân để ảy ra chuyện”, nói ngắt quãng rồi ông Thạch lại cúi mặt xuống.
Sau đó, ông xúc động: “Tôi rất biết ơn gia đình cháu bé đã bỏ qua cho những sai lầm của bản thân mình. Nghe vợ con nói tôi rất xúc động, không biết nói thế nào. Ngày mai tôi sẽ cùng vợ con sang thắp hương cho cháu.
Rưng rưng nước mắt, con gái ông Thạch gửi lời cảm ơn đến tất cả cộng đồng mạng, các cơ quan báo chí, những người đồng đội cũ,… đã quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Kể từ khi xảy ra chuyện, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến động viên, chia sẻ, thậm chí ủng hộ tiền bạc cho gia đình. Với mong muốn san sẻ những điều tốt đẹp này, gia đình chị sẽ ủng hộ 10 triệu đồng vào quỹ chất độc màu da cam và 10 triệu đồng vào quỹ thương binh 27-7.
Nước mắt người vợ cựu chiến binh Vị Xuyên
Đứng ngoài cổng trụ sở Công an quận Hoàng Mai từ chiều chờ tin chồng, bà Lê Thị Phương (vợ ông Đinh Ngọc Thạch) như ngồi trên đống lửa. Bà Phương liên tục đi qua, đi lại cổng Công an quận Hoàng Mai để chờ đợi giây phút được gặp chồng. Mỗi lần có người nhắc tên chồng, bà Phượng lại ngậm ngùi khóc. Thậm chí, do lo lắng cho chồng, trong quá trình ngồi đợi, bà Phượng còn bị ngất xỉu.
Bà Phương cũng cho biết, suốt những ngày qua, bản thân bà ngày nào cũng sang thắp hương bày tỏ nỗi thương tiếc và đau buồn trước những chuyện đã xảy ra. Mong muốn gia đình cháu nguôi ngoai vơi đi nỗi đau.
Kể về hoàn cảnh gia đình, bà Phương với gương mặt đen sạm vì sương gió cho biết, bà ông Bình sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Vì hoàn cảnh khó khăn nên bà ở quê (Hà Nam) làm ruộng còn ông Thạch lên Hà Nội chở hàng thuê bằng xích lô.
Ở nơi đất khách quê người làm ăn mưu sinh, ông Thạch cùng hai người anh em khác ở trong ngôi nhà cấp 4 có diện tích 24 m2, lụp xụp, hoen ố những mảng tường đã bị long tróc nham nhở, lọt thỏm so với những ngôi nhà cao tầng kiên cố xung quanh.
Sau đó, bà Phương nhớ lại, khi nhận được tin ông Thạch bị bắt, bà đã vội vàng khăn gói từ Hà Nam bắt xe lên Hà Nội sau đó về nơi ở của ông Thạch (ngõ 66 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) gấp quần áo mang vào cho chồng.
Theo lời bà Phương thì chỉ sau 1 ngày, do suy nghĩ nhiều lên ông Thạch bị suy sụp, người như bị trầm cảm, bà Phương hỏi ông Thạch cũng chẳng nói gì khiến bà càng thêm lo lắng.
“Gia đình tôi sinh được 2 cháu, 1 trai, 1 gái nhưng đều lấy vợ, lấy chồng xa và cuộc sống cũng rất khó khăn. Khi cháu gái (con gái bà Phương - PV) nhận được tin dữ cũng vội vàng lên thăm nhưng do phải đi làm công ty nên chỉ lên được buổi tối mà vào giờ ấy thì không gặp được bố nên 2 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc” – bà Phương chia sẻ.
Chiến trường Vị Xuyên với hơn 2.000 ngày đêm quần thảo với giặc, canh giữ từng tấc đất, vùng trời biên giới Hà Giang là nơi lưu giữ hơn 4 ngàn liệt sĩ và hơn 2 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.
Cựu chiến binh Đinh Ngọc Thạch trở về từ những ngày bom đạn ấy đã bị chấn thương sọ não và bị một vết thương ở cẳng chân trái với tỷ lệ thương tật 19%. Ra quân, không trình độ học vấn, sức khỏe nay ốm mai đau do ảnh hưởng của chiến tranh nên ông chỉ biết đạp xích lô chở hàng thuê để kiềm tiền mưu sinh.
Người lính già Vị Xuyên năm nào không ngờ rằng có ngày, mình lại bị vướng vào lao lý chỉ bởi thù lao 20.000đ một lần chở tôn thuê cho người ta.
Hơn 2 tuần lễ, ông và gia đình tưởng như đã bị ngã gục khi miệng người đời chê trách, buông những lời đắng cay khi ông chính là người đã gián tiếp gây nên cái chết cho cháu bé 10 tuổi trong một tai nạn không thể ngờ tới.
Nhưng rồi bằng tình thương, vòng tay chia sẻ của những người cựu binh một thời vào sinh ra tử, của những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng đã chung tay, góp sức “của ít, lòng nhiều” động viên ông Bình, vực ông dậy để ông vững tin hơn vào những ngày phía trước.