Gương sáng Pháp luật

Luật Bình đẳng giới và dấu ấn vị Tổ phó Tổ Biên tập dự thảo

(PLVN) - Hiến pháp Việt Nam các thời kỳ đều đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới như một cam kết của Việt Nam. Tuy nhiên phải đến ngày 29/11/2006, Luật Bình đẳng giới mới được Quốc hội thông qua. Để có được một đạo luật hoàn thiện nhất, Ban soạn thảo và bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đã phải trải qua không ít kỳ công.

Đạo luật mất 4 năm soạn thảo, thông qua

Bà Vân cho biết, thời phổ thông, thỉnh thoảng cùng bạn học xem Tòa án huyện xử án, hình ảnh chủ tọa phiên tòa uy nghiêm cứ đọng mãi trong ký ức, nên sau kỳ thi đại học năm 1989, nữ sinh đã trở thành tân sinh viên Khoa Pháp luật Kinh tế khóa 14 Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội).

Từng ước mơ trở thành một thẩm phán. Nhưng một buổi học cuối năm thứ 3, nữ sinh có cơ hội trò chuyện với giảng viên thỉnh giảng về công việc, rất tâm đắc với nhiều chia sẻ của thầy, cùng với sự lĩnh hội các nội dung thực tế được thầy lồng ghép trong bài giảng, trong đó có chia sẻ về hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN). Cơ duyên ấy đã đưa quyết định lựa chọn vị trí việc làm sau khi ra trường sang một hướng rẽ khác, giúp bà gắn bó với Hội LHPN từ khi ra trường đến nay.

Sau khi tốt nghiệp, tân cử nhân tham dự kỳ thi tuyển của Hội, vượt qua nhiều thí sinh tham dự để trở thành cán bộ Hội với vị trí nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, đóng góp ý kiến tham mưu cho lãnh đạo Hội tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2004 bà được bổ nhiệm Phó Ban Chính sách - Luật pháp của Hội. Năm 2007 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội cho đến nay.

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân

Năm 2003, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN đề xuất sáng kiến, được Quốc hội chấp thuận xây dựng Luật Bình đẳng giới (BĐG) và giao cho Hội chủ trì soạn thảo dự thảo Luật.

Được lãnh đạo Hội phân công Tổ phó Tổ Biên tập dự thảo Luật, bà Vân đã cùng các đồng nghiệp bắt tay vào việc triển khai các hoạt động theo quy định.

Bà bày tỏ đây là vấn đề mới, lại liên quan nhiều đến nhận thức, thái độ và hành vi của con người, nên công việc đầu tiên phải làm là đánh giá thực trạng BĐG tại 11 địa phương đại diện cho các vùng, miền cả nước. Hình dung ban đầu khác với khi bắt tay vào làm vì định kiến giới khá nặng nề cả trong khu vực công và tư. Ngoài ra, sự chênh lệch lớn về hiểu biết của các đối tượng chia sẻ thông tin cũng là một khó khăn trong việc định hình đường đi, cách đi trong hoàn thành dự thảo Luật.

Lãnh đạo Hội và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đã quyết tâm vượt khó, tiếp cận, phân tích, tham khảo, học hỏi từ 15 văn bản luật liên quan của các nước, kết hợp tài liệu trong nước về khoa học giới, pháp luật và kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu. Luật BĐG đã được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ X thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007.

Luật BĐG được đánh giá đã thể hiện rõ các quy định hài hòa giữa quyền và cơ hội bình đẳng, có tính đến đặc thù giới tính chi phối quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nam, nữ theo pháp luật. Luật ra đời đã đánh dấu bước ngoặt mới về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến phụ nữ, mục tiêu BĐG; tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế về thực hiện, bảo đảm, thúc đẩy BĐG và sự phát triển của phụ nữ.

Đam mê, nỗ lực không ngừng nghỉ

Ngay sau khi Luật được thông qua, bà Vân tiếp tục cùng đồng nghiệp tham mưu cho lãnh đạo Hội dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng và tham gia với Bộ Tư pháp soạn thảo 3 Nghị định hướng dẫn thi hành.

Bản thân bà đã chủ động biên soạn 72 câu hỏi về Luật BĐG, bài giới thiệu để phổ biến, đưa Luật vào cuộc sống. Đồng thời, phối hợp Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) biên soạn cẩm nang về Luật này. Ngoài ra, bà tham gia tư vấn cho dự án phát triển lập pháp quốc gia của Chính phủ Canada hỗ trợ Việt Nam trực tiếp chia sẻ thông tin liên quan BĐG trong pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xác định vấn đề giới, đánh giá tác động giới; tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép vấn đề BĐG trong văn bản pháp luật cho công chức nhiều bộ, ngành.

Quá trình này, bà luôn kết hợp nhiều văn bản với nhau, soạn thảo nội dung, lựa chọn phương pháp tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng tạo nên sự phong phú, không nhàm chán, bảo đảm quy chuẩn pháp lý và các yêu cầu khác, biến sự khô khan của những quy định pháp luật thành mềm mại, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. “Có một em công tác tại Hội LHPN tỉnh chia sẻ đã nghe tôi giới thiệu 26 lần về Luật BĐG mà lần nào cũng muốn nghe thêm vì nhiều cách tiếp cận mới trong cách làm, thấm, ngấm và hiểu rõ hơn các quy định, nhất là các biện pháp, giải pháp thực tế cho mỗi đối tượng để thực hiện Luật hiệu quả”, bà Vân chia sẻ.

Tháng 9/2013, bà Vân được điều động về Học viện Phụ nữ giữ chức danh Phó Giám đốc. Ngoài công việc chuyên môn mới, bà tiếp tục thực hiện vai trò là chuyên gia giới được Hội phân công tham gia với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII, XIV, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV nghiên cứu, chia sẻ ý kiến vào việc xác định vấn đề giới và kiến nghị bảo đảm BĐG trong các dự thảo luật ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, với tư cách báo cáo viên pháp luật được Bộ Tư pháp cấp thẻ, bà vẫn giữ đam mê tuyên truyền, phổ biến, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho cán bộ, người dân bằng nhiều phương pháp khác nhau, tập trung vào các nội dung về BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân gia đình; trẻ em; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; thanh tra, giải quyết khiếu tố... Bà cũng tham gia giảng dạy, bồi dưỡng kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở…

Bà Hà Thị Thanh Vân trong một giờ giảng dạy.

Bà Hà Thị Thanh Vân trong một giờ giảng dạy.

Bà Vân luôn tâm niệm, công dân dù ở bất cứ một độ tuổi nào cũng đều cần hiểu biết luật pháp để tự bảo vệ bản thân, không ảnh hưởng người khác, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển: “Bởi vậy, tôi mong muốn sẻ chia những gì mình biết, mình hiểu để giúp người nghe có cơ hội hiểu sâu sắc các khía cạnh liên quan, từ đó thực hiện tốt vai trò công dân và chức trách, nhiệm vụ thực tế”.

Bà chia sẻ: “Muốn pháp luật thấm và ngấm vào người nghe thì người phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn phải hiểu luật sâu sắc, biết kết nối với các giá trị sống, kỹ năng công việc, kỹ năng mềm và nhất là không vi phạm pháp luật. Đôi lúc ra đường, bị người phía sau hối thúc vượt đèn đỏ, mình chỉ nhẹ nhàng giải thích, nhiều khi bị mắng xối xả, nhưng phải giữ quan điểm hành xử đúng luật”.

Với cố gắng, đóng góp trong quá trình công tác, ngoài bằng khen của Hội về chuyên môn, năm 2007 bà Vân được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Luật BĐG. Năm 2013, Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa. Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen về thành tích 10 năm triển khai thực hiện Luật BĐG giai đoạn 2007 - 2017.

Đam mê nên sáng tạo, bà Vân đã không ngừng học hỏi áp dụng nhiều phương pháp tuyên truyền pháp luật có hiệu quả.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bà Vân xác định phải làm sao thay đổi nhận thức của từng cá nhân một cách hiệu quả nhất, trước hết là quan điểm để từ đó hình thành niềm tin và giá trị chuẩn trong thái độ sẽ quyết định hành động thực tế của họ. Do đó, báo cáo viên, tuyên truyền viên phải chủ động về tri thức, phải thành thạo về kỹ thuật, có thực tế, tìm hiểu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng, hiểu văn hóa vùng miền nơi thực hiện, hiểu cuộc sống thực tế, nhu cầu, mong muốn, yếu tố tác động, ảnh hưởng đến người nghe để xác định trọng tâm những gì họ phải biết, cần biết và nên biết; chỉ như vậy họ mới tiếp thu được các thông tin, thông điệp một cách hiệu quả nhất.

Điều này có nghĩa, kỹ thuật sử dụng là giống nhau, nhưng cách đưa quy định pháp luật đến người khác phải theo tinh thần có điểm giống, có điểm khác và có khía cạnh khác, không máy móc, áp đặt; phải linh hoạt, tùy từng trường hợp mà áp dụng hình thức, phương pháp tiếp cận và nội dung, phạm vi phù hợp.

Bà Vân có cách tuyên truyền, phổ biến thông tin đến đối tượng nghe theo hướng kết hợp đa chiều, nhiều khía cạnh, tạo ra cho người nghe ấn tượng đặc biệt thông qua các giáo cụ rất đời thường như thẻ màu, dây ruy băng, bộ tú lơ khơ… để khuyến khích người học, người nghe tự tìm tòi, ghi nhớ luật bằng nhiều cách thức.

Bà cũng dùng thành ngữ, ca dao, câu hát, câu hò, câu vè để kết hợp phân tích, chia sẻ, nhất là cách kết thúc những điểm cần nhớ cho mỗi chủ đề phổ biến luôn là một bài thơ; mà theo bà “chỉ là văn vần giúp người nghe nhớ được nhiều”.

Đọc thêm