Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 có 8 điểm mới so với Luật Cạnh tranh 2004, đó là: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấn đối với cơ quan nhà nước; Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng; Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; Hoàn thiện các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; Hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.
Giới thiệu Luật Cạnh tranh 2018, bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng kiểm soát tập trung kinh tế (Cục CT&BVNTD) cho biết, Luật 2018 có một số sửa đổi, bổ sung mới hết sức quan trọng, trong đó đáng chú ý là Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường trong nước.
Dẫn chứng từ trường hợp Tập đoàn Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị BigC Việt Nam năm 2016, bà Lan cho biết, mặc dù thời điểm đó, các nhà bán lẻ, các DN cung cấp hàng hóa cho BigC đều rất quan ngại vụ việc này tiềm ẩn nhiều vấn đề về cạnh tranh gây bất lợi cho thị trường và nhà bán lẻ trong nước, nhưng do thương vụ mua bán sáp nhập được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004. “Nhưng với Luật Cạnh tranh 2018, cơ quan chức năng trong nước đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành điều tra, xử lý với bất kỳ hành vi nào xảy ra ở bất cứ đâu mà có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam…” - bà Lan khẳng định. Cụ thể, với những quy định trong luật mới, cơ quan chức năng của Việt Nam có thể phối hợp điều tra với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài nơi các hành vi vi phạm diễn ra.
Không chỉ trong lĩnh vực M&A, một loạt dẫn chứng thực tế cũng được đại diện Cục CT&BVNTD đưa ra. Đó là tình trang các hãng tàu từng có những thỏa thuận ngầm không thể hiện trên văn bản, mặc dù chủ hàng có đơn kiến nghị gửi tới cơ quan quản lý cạnh tranh nhiều lần nhưng vì thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam nên cơ quan chức năng cũng không thể tham gia xử lý vụ việc. Hay như tương tự đối với thuốc tân dược như biệt dược mà Việt Nam chưa sản xuất được phải nhập khẩu, đã có tình trạng giá thuốc cao tới mức vô lý với quan ngại có sự “bắt tay” giữa nhà sản và phân phối ngoài Việt Nam nhưng cơ quan chức năng cũng không làm gì được vì đó là những hành vi xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam mặc dù hành vi đó tác động đến xã hội, người tiêu dùng…
Để kiểm soát những hành vi xảy ra ngoài lãnh thổ, theo Luật mới 2018, đối tượng áp dụng đã mở rộng, ngoài đối tượng cũ theo Luật 2004, đối tượng áp dụng mở rộng với cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan. Nhằm đảm bảo tính thực thi, Luật 2018 đưa vào một nội dung mới tại Mục 7 chương VIII về “Hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh”. “Đây là nền tảng pháp lý để cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam hợp tác với cơ quan quản lý cạnh tranh của nước nơi xảy ra vụ việc để giải quyết vụ việc”- bà Lan khẳng định. Luật 2018 còn có một chương quy định xử lý vi phạm về pháp luật cạnh tranh…