Bộ luật lần này của Ba Lan liên quan đến nhân sự cho toà án hiến pháp của đất nước. Nó quy định rằng đến độ tuổi nhất định - và giảm đi 5 năm so với quy định lâu nay - thì các vị thẩm phán và chánh án của toà này tự khắc nghỉ hưu, trước đây là 70 tuổi và theo luật mới này là 65 tuổi. Thật ra, quy định giới hạn tuổi tác như thế nào là chuyện luật pháp riêng của các quốc gia. Nhưng EU lại coi luật này của Ba Lan là ý đồ của phe cầm quyền hiện tại ở đất nước này muốn loại trừ những thành viên của toà án hiến pháp không thuộc phe cánh chính trị của họ.
EU cho rằng bằng cách cài cắm nhân sự thuộc phe cánh của mình vào cấp toà án cao nhất và quan trọng nhất này của đất nước, phe cánh chính trị cầm quyền ở Ba Lan tận dụng đa số áp đảo hiện có trong quốc hội để thuần phục cả toà án hiến pháp, biến toà án này thành công cụ chứ không còn là một quyền lực độc lập nữa ở Ba Lan. Như thế tức là cơ chế tam quyền phân lập bị bào mòn, huỷ hoại và vô hiệu hoá. Như thế tức là tính nhà nước pháp quyền ở Ba Lan bị đe doạ.
Ba Lan là thành viên của EU và ngay từ khi tham gia EU đã phải ý thức được về sự bắt buộc phải tự gò ép mình vào khuôn khổ luật pháp chung của EU. Dù vậy mà vẫn cứ hành xử như thế đâu có khác gì cố tình thách thức và đối đầu với EU. Thực chất ở đây là câu chuyện về luật chung trị luật riêng sau khi luật riêng không chịu tuân thủ luật chung. Trong khi Ba Lan được việc ở nội bộ thì lại hỏng việc ở bên ngoài. Còn EU thì cũng chẳng hay ho và tốt đẹp gì.