Luật có nên mở rộng quy định độ tuổi hiến mô, tạng?

(PLO) - Câu chuyện của bé Nguyễn Hải An – 7 tuổi vừa qua đời, nhưng trước khi mất đã có tâm nguyện được hiến tặng toàn mô tạng của mình để trao cơ hội sống cho những bệnh nhân bị suy tạng thực sự khiến cộng đồng xúc động. Từ câu chuyện của em, nhiều ý kiến cho rằng: quy định độ tuổi hiến tạng có nên được thay đổi? 
Luật có nên mở rộng quy định độ tuổi hiến mô, tạng?

Ai cũng có thể trao tặng lại sự sống cho cộng đồng

Câu chuyện hiến giác mạc cảm động của cô bé Nguyễn Hải An sau hơn 2 tuần vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Đến tận bây giờ chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ bé Hải An) mới cảm thấy vơi đi phần nào nỗi buồn khi giác mạc của Hải An đã đem lại ánh sáng cho hai người khác. Tuy nhiên, điều mà chị day dứt đó là chưa thực hiện được hết di nguyện của con, được hiến toàn bộ mô tạng để trao đi cơ hội sống cho bao người khác. Ước muốn được nghe nhịp tim con đập thêm một lần nữa của chị Dương đã không thành hiện thực bởi theo quy định của pháp luật thì nguyện vọng của bé sẽ chỉ được thực hiện khi bé đủ 18 tuổi.

Cụ thể, theo Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Theo đó, bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não. 

Tuy nhiên, từ sau câu chuyện của bé Hải An, nhiều người cho rằng quy định độ tuổi trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đang trở thành rào cản cho những người dưới 18 tuổi muốn hiến tặng mô tạng. Theo lý giải của nhiều người, hiến mô, tạng mới chỉ là một câu chuyện nhưng dùng được hay không đó là câu chuyện của ngày mai và của ngành y tế.

Nếu điều luật này được sửa đổi theo hướng cho phép người chết não dưới 18 tuổi được phép hiến mô tạng thì sẽ không chỉ có hai người được nhìn thấy ánh sáng nhờ giác mạc của bé Hải An, mà hàng ngàn người khác sẽ có cơ hội sống từ mô, tạng của người hiến dưới 18 tuổi. Bởi thực tế còn rất nhiều người muốn bằng cách hiến mô tạng để cho người yêu thương của mình vẫn tiếp tục được hiện hữu trên cuộc đời này, qua đó cũng tăng thêm nguồn mô tạng được tiếp nhận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người hiện nay nguồn mô tạng tại Việt Nam vẫn còn khan hiếm 

do không ít người Việt còn e dè với việc hiến mô tạng và quan niệm “chết toàn thây”.  “Tất cả chúng ta dù già, trẻ thì sau khi chết vẫn có thể hiện hữu trong cuộc đời một lần thứ hai. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể trao tặng lại sự sống cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại luật hiến mô tạng. Hiến mô tạng không chỉ cho người từ 18 tuổi trở lên mà người dưới 18 tuổi cũng có thể hiến được, nếu họ có tâm nguyện rõ ràng và được bố mẹ cho phép. Vì không ít những ông bố, bà mẹ mong muốn trái tim, đôi mắt của con được nhìn, được đập một lần nữa, vì thế chúng ta cần trân trọng tâm nguyện đó”, ông Phúc chia sẻ. 

Cần có những cơ chế, biện pháp, chế tài hợp lý khi sửa đổi

Nói về độ tuổi quy định trong Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, ông Phan Tiến Duy, chuyên gia Luật, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn DLS Việt Nam phân tích: “Điều kiện về độ tuổi là một dấu hiệu định lượng quan trọng để xem xét cá nhân đó có đủ năng lực thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể hay không.

Theo quy định của Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: Cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết. Sở dĩ có quy định như vậy bởi các nhà làm luật ở nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật”. 

Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều kiện cần để hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt tâm lý, về khả năng nhận thức hay chưa. Bên cạnh đó, ngày nay nhu cầu hiến các bộ phận cơ thể của những bệnh nhân là người chưa thành niên rất cao, do vậy theo ông Duy đề xuất người dưới 18 tuổi được hiến tạng khi chết cần đưa vào luật, tuy nhiên để đảm bảo quá trình thực hiện được phù hợp và đúng pháp luật cần có những cơ chế, biện pháp và chế tài cụ thể cho nội dung này. 

Bên cạnh đó, đối chiếu các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Trẻ em năm 2016,  việc hiến tạng là một giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Vì vậy, việc trao toàn quyền cho trẻ dưới 18 tuổi được phép hiến tạng sẽ tạo mâu thuẫn, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn. Đồng thời, nếu để trẻ dưới 18 tuổi toàn quyền quyết định việc hiến tạng sẽ là cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng vào việc buôn bán tạng. Từ đó sẽ gây mất an ninh trật tự xã hội và làm sai lệch tinh thần đúng đắn của việc hiến tạng, theo ông Phan Tiến Duy. 

Đọc thêm