Luật Cư trú có “kẽ hở” để làm khó dân?

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú theo hướng “siết” điều kiện nhập cư vào các thành phố (TP) trực thuộc trung ương nhưng thảo luận tại tổ chiều qua (23/5) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, vẫn có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về những “kẽ hở” có thể làm khó dân mà chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước…

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú theo hướng “siết” điều kiện nhập cư vào các thành phố (TP) trực thuộc trung ương nhưng thảo luận tại tổ chiều qua (23/5) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, vẫn có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về những “kẽ hở” có thể làm khó dân mà chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước…

ĐB Đỗ Kim Tuyến (TP.Hà Nội) lo ngại về tính khả thi của các qui định về một số hành vi cấm trong dự thảo (như trường hợp khó xác định “tính trục lợi” của chủ hộ cho người khác nhập khẩu để trục lợi nên 1 hộ có diện tích hẹp vẫn cho nhiều người đăng ký mà không thể “bắt bẻ” được) nên đề nghị phải có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Băn khoăn về qui định “thời hạn sổ tạm trú” trong dự thảo Luật, ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) cho rằng, “thủ tục này dễ gây khó khăn cho người dân, khó phát huy hiệu quả quản lý dân cư vì tất cả sẽ có xu hướng đăng ký 24 tháng để tránh làm thủ tục gia hạn dù không thực sự có nhu cầu tạm trú dài đến thế”.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm của cán bộ đăng ký, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) nhận thấy, “Luật cần có cả qui định cấm đối với một số hành vi của những người có thẩm quyền cho đăng ký thường trú, tạm trú, chứ không chỉ cấm mỗi hành vi của công dân” vì thực tế, “nhiều người làm công tác này cứ “làm cho xong chuyện” đã cho đăng ký nhập khẩu mà không cần biết diện tích có đủ hay không, gây bức xúc trong nhân dân”. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Đến từ một trong những TP trực thuộc TƯ, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Tp.Đà Nẵng) đề nghị bỏ qui định về “văn bản xác nhận về diện tích bình quân của chính quyền địa phương” vì qui định này “chỉ thuận lợi cho cơ quan nhà nước mà làm khó dân”. Theo ĐB Thúy, “nếu nghi ngờ không đủ diện tích bình quân thì cán bộ làm công tác đăng ký phải tự đi xác minh”.

Với ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng): “dự thảo Luật mới làm tốt việc tăng hiệu quả quản lý nhà nước mà chưa tạo điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú của công dân”. Lý giải nguyên nhân chính khiến các TP trực thuộc T, nhất là Hà Nội và TP.HCM luôn phải chịu áp lực về dân số là việc cư trú ở “gắn với nhu cầu “kiếm sống”, ĐB Vinh nhận định, “siết” nhập cư vào các TP này theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú giờ mới làm chỉ còn là giải pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài”. Biện pháp tối ưu theo Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng và một số ĐBQH khác là “phải tạo điều kiện phát triển ở các địa phương khác để người dân không cần phải di cư”.

Huy Anh

Đọc thêm