Luật hóa đặt cược thể thao: Khó, nhạy cảm, nhưng phải làm!

(PLO) -Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT) tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa diễn ra, nhiều đại biểu (ĐB) đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến băn khoăn về vấn đề nhạy cảm này.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, trong quá trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, nội dung đặt cược thể thao là vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trong đó, 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, vì đặt cược thể thao đã được Chính phủ cho phép mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện, gồm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.

Đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo Luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động TDTT được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Tuy nhiên, 4/27 thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo Luật, vì đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự; trong khi đó, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3/2017, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi quy định vào Luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.

Cùng quan điểm này, khi thẩm tra dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực TDTT nhưng cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết…

Cần có thời gian kiểm nghiệm?

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện) cho rằng hiện nay chúng ta mới thí điểm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định tại Nghị định 06 của Chính phủ. Vì vậy cần có thời gian thực hiện để tổng kết đánh giá kỹ lưỡng các nội dung này trước khi quyết định đưa các nội dung thí điểm này vào luật để đảm bảo tính khả thi. “Tôi đề nghị chưa nên đưa quy định này vào luật sửa đổi lần này mà cần phải có thời gian kiểm nghiệm thực tế”, ĐB đề xuất.

Theo nhận định của ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), vấn đề pháp lý về kinh doanh đặt cược trong hoạt động thể thao mới chỉ vận hành với tính chất thí điểm ở Việt Nam và được điều chỉnh bởi Nghị định 06/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Trong hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm đặt cược bất hợp pháp.

Do vậy, việc bổ sung quy định cấm lợi dụng hoạt động TDTT để tổ chức đặt cược, đặt cược bất hợp pháp tại khoản 7 Điều 10 như trong dự thảo Luật là rất cần thiết nhưng chưa đảm bảo các điều kiện cho việc áp dụng pháp luật. Với quan điểm như vậy, ĐB đề nghị cân nhắc làm rõ phạm vi khái niệm đặt cược bất hợp pháp trong mối quan hệ với các hành vi bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 06/2017 của Chính phủ, đồng thời bổ sung thêm các điều khoản viện dẫn để đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng pháp luật.

Không quy định thì thực tiễn vẫn diễn ra

Ngược lại, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng chúng ta không quy định trong luật thì thực tiễn vẫn đã và đang diễn ra những vấn đề đặt cược. “Chúng ta để tràn lan như vậy hay chúng ta có hành lang pháp lý để chúng ta quản lý chặt hơn thì cần nghiên cứu. Theo tôi là mạnh dạn đưa vào luật và có những quy định hết sức chặt chẽ vấn đề này”, ĐB nói và đề xuất đưa một số loại hình, ví dụ cá cược bóng đá quốc tế rõ ràng vẫn tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam nhưng ta không quản lý được. Theo ĐB Bình, đưa vào quy định như vậy, chúng ta sẽ quản lý tốt, đảm bảo an ninh trật tự hơn so với không có hành lang pháp lý. “Mặc dù nghị định Chính phủ chưa tổng kết đánh giá nhưng rõ ràng cho thí điểm. Theo tôi, cần nghiên cứu nhanh, sớm đưa vào luật từng bước”, ĐB kiến nghị.

ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cũng nhận định, cá cược thể thao là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nước, với nhiều bộ môn thể thao khác nhau như bóng đá, chọi gà, đua ngựa, đua chó... Thực tế họ đã quản lý khá tốt, không có sự rối loạn xã hội. “Dù không nói ra nhưng ai cũng biết ở Việt Nam mặc dù không cho phép nhưng nhiều nơi vẫn còn xảy ra hiện tượng cá cược thể thao. Thực tế đó thúc đẩy tôi là một người suốt đời không biết cờ bạc, cá cược, thấy cần phải nói rằng QH cần “đào sâu” suy nghĩ, xem xét vấn đề này thật nghiêm túc”, ĐB nêu quan điểm.

Theo ĐB Trí, chúng ta đã có những quy định để không cho phép nhưng nhìn chung chưa hiệu quả. Chính phủ đã có Nghị định số 06, nhưng nghị định không phải luật. Việc sửa đổi luật đã được thông qua từ năm 2006 và không biết bao lâu nữa mới sửa lại luật này. “Tôi đồng ý đưa vấn đề đặt cược thể thao vào luật sửa đổi này như ý kiến của 19/27 thành viên của Chính phủ”, ĐB nói. 

ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội): Đừng để luật thì cấm nhưng thực tế lại bùng nổ

“Cá cược thể thao có lẽ là một thú vui, dĩ nhiên thú vui này dễ bị  mang tính cờ bạc, ăn thua và có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vậy việc này rất cần phải được quản lý. Chúng ta không ủng hộ cờ bạc, nhưng cần ủng hộ việc quản lý một thú vui phổ biến của người đời để việc đó đừng bị xấu đi, đừng bị biến tướng và bị bỏ rơi không quản lý. 

Tôi nghĩ thật dễ cho tôi và những ĐBQH nếu gặp phải vấn đề khó thì chúng ta bỏ qua, chúng ta cấm. Xin đừng để việc cá cược thể thao trong luật pháp thì cấm nhưng trong thực tế thì xảy ra lén lút hoặc thậm chí là bùng nổ. Xin đừng thêm một lần để vấn đề cá cược thể thao lại dậm chân tại chỗ hàng thập kỷ nữa- từ bây giờ. Tôi tin nếu có luật, nếu tổ chức tốt thì sẽ hạn chế được mặt trái, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, cho xã hội, về thuế, về tạo điều kiện để nhân dân thỏa mãn một thú vui và nhất là để quản lý được một vấn đề mà đã nhiều thập kỷ qua chúng ta cấm nhưng vẫn xảy ra đến nhức nhối”. 

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Nên giới hạn ở một số hoạt động

“Tôi đồng ý với phương án 1 là bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, hiện nay đã được Chính phủ cho phép mặc dù mới chỉ giới hạn ở một số môn nhất định khi chúng ta quy định ở trong luật, nhưng chúng ta nên giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép đặt cược”.

ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ): Nên đưa vào luật để quản lý

“Chúng ta đang cấm mại dâm nhưng mại dâm vẫn tồn tại núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, vừa dẫn đến tệ nạn do không kiểm soát được sức khỏe của những đối tượng liên quan vì chưa có luật, vừa không thu được thuế. Chúng ta cấm để quản nhưng nhiều việc không quản được thì “cấm cho lành”, nên có nhiều việc diễn ra sờ sờ trước mắt nhưng không quản lý, không điều chỉnh được. Ở các nước phương Tây, các nền thể thao lớn, bên cạnh thể dục thể thao song hành là cá cược, chứng tỏ họ đưa vào luật pháp để quản lý được”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát

“Về đặt cược thể thao, có thể nói rằng trong những năm gần đây cùng với xu thế mở cửa tăng cường hội nhập quốc tế, các loại hình kinh doanh giải trí có yếu tố cá cược dựa trên khai thác các hoạt động thi đấu thể thao đã được du nhập và phát triển tại Việt Nam. Nhiều quốc gia đã sớm đặt ra yêu cầu cần phải hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao nhằm quản lý chặt chẽ, tránh các hệ lụy xã hội có thể xảy ra và thông qua hoạt động này để thu hút nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực thể thao. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã cho phép tổ chức đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế tại Nghị định 06 nên có ý kiến đề nghị đưa vào luật.

Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến nói rằng đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, do đó chưa nên quy định trong luật. Tiếp thu ý kiến của QH, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ xem xét trên nguyên tắc thận trọng, phù hợp với khả năng quản lý điều hành giám sát của Nhà nước”. 

Đọc thêm