Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều đổi mới cơ bản, đáp ứng yêu cầu người bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, vừa qua, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Luật được đánh giá vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài cho ngành Y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giải quyết những vướng mắc, bất cập

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi gồm 12 chương, 121 điều; tăng 3 chương (chương VI, VII, XI) và 30 điều so với Luật hiện hành, trong đó có những điểm mới cơ bản về các quy định liên quan đến người bệnh, người hành nghề, các quy định liên quan đến cơ sở KCB, về hệ thống tổ chức cơ sở KCB...

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 3 kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, QH đã thông qua Luật KCB sửa đổi để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng KCB cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KCB; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KCB...

Giới thiệu cụ thể hơn về Luật KCB sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Phạm Thái Hà cho biết, về các quy định liên quan đến người bệnh, Luật đã bổ sung quyền kiến nghị và yêu cầu bồi thường của người bệnh; xác định rõ người đại diện của người bệnh và việc thay thế người đại diện của người bệnh; quy định về người bệnh không có thân nhân và quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân; quy định các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở KCB, an toàn cho người bệnh và thân nhân của người bệnh...

Về các quy định liên quan đến người hành nghề, bổ sung thêm 3 chức danh phải có giấy phép hành nghề (dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng); điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề là phải được Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá đủ năng lực hành nghề tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; quy định cụ thể các trường hợp và phân cấp thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; thời hạn của Giấy phép hành nghề (5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh)...

Về tài chính tại các cơ sở KCB, theo ông Phạm Thái Hà, Luật bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước; bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động KCB và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB; Quy định giá KCB theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá KCB; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB; căn cứ, nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền định giá dịch vụ KCB...

Tạo thuận lợi cho tài chính y tế

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về Luật KCB (sửa đổi), Đại biểu QH Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) đánh giá, mặc dù còn nhiều vấn đề phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhưng nhìn một cách tổng thể, những vấn đề tồn tại trong thực hiện các nội dung liên quan đến Luật thời gian qua đã được các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng, đưa ra các giải pháp giải quyết cụ thể trong Luật. Các giải pháp có thể còn có sự tranh luận song cũng trên 70% đại biểu đã bấm nút thông qua Luật. Luật đã bao quát những vấn đề cơ bản hiện đang vướng mắc thì sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra hoặc những vấn đề chưa thực sự rõ ràng thì giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự linh hoạt, hoàn thiện dần chính sách.

Riêng về vấn đề tài chính y tế, Đại biểu Lâm cho rằng, vấn đề tài chính y tế sẽ thuận lợi hơn, có căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn để cho các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý tài chính y tế một cách minh bạch, hiệu quả cũng như tạo thuận lợi hơn cho ngành Y tế trong việc huy động các nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với các Luật khác đang được xem xét hoàn thiện trình QH như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công… ông Lâm hy vọng các chính sách này sẽ phối hợp đồng thời để tạo hiệu quả chung cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế.

Đọc thêm