Luật 'nhân quả' đã ứng nghiệm

(PLO) -Liên tiếp trong những ngày gần đây, hàng loạt các cán bộ từng là lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn bị khởi tố, bắt giam. Nhiều trường hợp được cho là đã ‘hạ cánh an toàn”, giờ thì nguy cơ đứng sau vành móng ngựa hiện hữu.
 

Dư luận không bất ngờ lắm trước việc bắt giam một số người từng là lãnh đạo và giữ những cương vị chủ chốt tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bởi đó chỉ là bước tiếp theo trong các vụ án đã diễn ra trước đó và tiếp tục xử lý các sai phạm nghiêm trọng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện với phương châm “không có vùng cấm với bất cứ ai”. Khá bất ngờ là vào đêm 12/ 12, Công an đã khởi tố bắt giam 5 người, nguyên là lãnh đạo, kế toán thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Phú Riềng.

Đáng chú ý là những sai phạm xảy ra ở Tập đoàn này vào thời điểm những năm 2006 – 2011 đã từng có giai đoạn huy hoàng “ăn nên làm ra”, thu lãi lớn, mở rộng diện tích trồng sang cả nước bạn, đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác, ngoài cao su. Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2014 đã vạch ra những sai phạm đó với hậu quả gây thiệt hại hơn 8.366 tỷ đồng. Những sai phạm nghiêm trọng này cùng những người gây ra tưởng chừng như đã bị “chìm vào im lặng” và không có vụ án nào cả.

Điển hình là trường hợp nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, ông Lê Quang Thung, đảm trách cương vị này vào tháng 3 năm 2010, trước đó một thời gian, ông giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn trong cái thời kỳ “ăn nên, làm ra” của ngành cao su. Tại vị được hơn 1 năm ông Thung nghỉ hưu vào ngày 01/01/2012. Như vậy, những sai phạm dẫn đến bị cáo buộc tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng của các bị can này đã xảy ra từ hàng chục năm trước đây.

Việc khởi tố vụ án, bắt giữ bị can các vụ án kinh tế  xảy ra vào tháng cuối cùng của năm này là tích tụ và kết quả của cả một quá trình điều tra, cân nhắc kỹ lưỡng nhưng dẫu sau thì cũng gây một sự sang chấn tinh thần không nhỏ trong xã hội. Đáng mừng là việc chống tham nhũng “không có vùng cấm” đã được thực thi, thể hiện một sự đấu tranh không khoan nhượng đối với các tội phạm loại này. Tuy nhiên, đó cũng là nỗi đau và tổn thất cho xã hội.

Những người bị vướng vào lao lý kia đã từng là lãnh đạo, từng là sự ngưỡng mộ của nhiều người, cho nên khi họ bị bắt không ai lại vui mừng, hỷ hả cả, tiếc cho họ nhiều hơn. Dù sao, họ cũng phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình, “nhân nào, quả nấy” là tất yếu. Đây là bài học xót xa về công tác quản lý cán bộ, nếu không có sự buông lỏng thì các cán bộ lãnh đạo giỏi giang kia làm sao có thể “tự tung, tự tác”, “múa tay trong bị” được?!.

Đọc thêm