Luật phá sản 2014: Tạo hành lang pháp lý thi hành các quyết định của tòa án giải quyết vụ việc phá sản

(PLO) - So với Luật phá  sản năm 2004, Luật phá sản năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) có nhiều thay đổi cơ bản, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình giải quyết phá sản cũng như thi hành quyết định phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Liên quan đến thi hành án phá sản có một số nội dung chính cần lưu ý, trong đó có trình tự thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Ảnh minh họa

Theo Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, khác với trình tự thủ tục thi hành án thông thường, việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản có những đặc thù riêng. 

Về ra quyết định thi hành án: Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 về thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành,  phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản” (khoản 1 Điều 120). Theo quy định này thì khi nhận được quyết định giải quyết vụ việc phá sản thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án chủ động và tổ chức thi hành mà không cần đến việc đương sự có yêu cầu thi hành án  như việc thi hành các bản án dân sự, kinh tế khác.

Nội dung quyết định thi hành án: Theo quy định của pháp luật về thi hành  án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phần nghĩa vụ  dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án (liên quan đến tài sản, buộc thực hiện công việc hoặc chấm dứt thực hiện công việc).

Tuy nhiên, theo Điều 108 Luật Phá sản năm 2014 thì nội dung của quyết định tuyên bố phá sản bao gồm các nội dung: Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; đình chỉ giao dịch  liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi  đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, giải quyết quyền lợi của người lao động;

Chấm dứt quyền hạn của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã; Thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại  của doanh nghiệp, hợp tác xã; Phương án phân chia giá trị tài sản trước và sau khi tuyên bố phá sản của  doanh nghiệp,  hợp tác xã theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Điều 54 của Luật này; Chuyển yêu cầu giải quyết tranh chấp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền;  Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản; Giải quyết vấn đề khác theo quy định pháp luật.

Như vậy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có một số  nội dung không thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự. Do đó, khi ra quyết định thi hành án cơ quan Thi hành án dân sự cần lưu ý các nội dung của Quyết định tuyên bố phá sản để xác định nội dung Quyết định thi hành án như: Các khoản thuộc diện thu hồi nợ cho doanh nghiệp phá sản, buộc thực hiện công việc hoặc chấm dứt thực hiện công việc thuộc trách nhiệm thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành; phần thanh lý tài sản còn lại của doanh nghiệp hợp tác xã phá sản cơ quan Thi hành án dân sự vẫn chủ động ra quyết định thi hành  án nhưng sau đó có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản tổ chức thi hành nội dung này.

Về nhiệm vụ của Chấp hành viên trong thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản: Yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản. Theo khoản 1 Điều 45 Luật Phá sản 2014 thì chỉ có Thẩm phán mới có thẩm quyền chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý, quản lý tài sản.

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 quy định “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh  lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản”. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà Chấp hành viên có quyền yêu cầu theo khoản 1 Điều 121  Luật Phá sản năm 2014 phải là Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được Thẩm phán chỉ định và chỉ được thực hiện khi vẫn còn tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chưa được thanh lý hoặc chưa được thanh lý xong.

Chấp hành viên lập văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 để yêu cầu Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản. Sau khi có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản thì Chấp hành viên mới thực hiện việc giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản.

Về việc thực hiện thu hồi tài sản, giao tài sản, theo Vụ Nghiệp vụ 2, Chấp hành viên thực hiện theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Riêng đối với tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan Thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản này.

Như vậy, với các quy định của Luật Phá sản 2014 đã khắc phục những bất cập cập hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản của Luật Phá sản 2004 đồng thời tạo hành lang pháp lý để cơ quan Thi hành án dân sự thi hành các quyết định của tòa án giải quyết vụ việc phá sản, đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả và chuyên nghiệp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. 

Đọc thêm