Cần được pháp luật điều chỉnh
Theo Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác.
Như vậy, Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.
Điều đó có nghĩa nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, chuyển giới đang là một thực tế dù luật không cho phép. Vì thế, Bộ luật Dân sự không nên né tránh câu chuyện này, nên bàn đến việc chuyển giới và điều kiện cho phép thực hiện giống như quy định về mang thai hộ trước đây.
Giảng viên Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) Nguyễn Xuân Thủy thì chỉ ra, theo Hiến pháp, mọi người dân đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, vậy tại sao có người đã chuyển giới tính trong xã hội, đã hiện hữu rồi, chúng ta lại không quy định để điều chỉnh.
Đặt vấn đề “Không cấm nhưng sao không thừa nhận, có phải đưa đối tượng này ra ngoài vòng pháp luật hay không?”, ông Thủy cho rằng, việc pháp luật không quy định sẽ gây phức tạp trong xã hội như trường hợp Hương Giang, cơ thể là phụ nữ rồi mà mọi thứ hộ khẩu, quyền, trách nhiệm lại là nam giới.
Cùng quan điểm này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Quyền xác định giới tính là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt là người chuyển giới, đồng tính và gia đình của họ. Thực tế chuyển giới tính đã diễn ra, đã có những người mà mọi hồ sơ, giấy tờ khai sinh, hộ khẩu là nam nhưng thực tế họ đã sống là nữ. Với thực tế này cần có quy định pháp luật để điều chỉnh.
Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật lại không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính song lại quy định: “Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác” là rõ ràng có sự mâu thuẫn.
Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Bởi thế, bà Nghĩa đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định lại, tránh mâu thuẫn ngay trong Bộ luật.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cũng cho rằng, Dự luật không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng lại cho những người đã chuyển giới được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là không phù hợp. Quy định như vậy vô tình khích lệ nhiều người chuyển giới.
“Nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cấm luôn việc thay đổi hộ tịch, còn cho chuyển đổi thì phải quy định. Cần cân nhắc cho hợp lý”, ông Hải đề xuất.
Cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc chuyển đổi giới tính chỉ nên công nhận trong những trường hợp nhất định dựa trên các lý do về y học. Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh.
Chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...
Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Với quan điểm cần thận trọng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII TP.Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà tán thành quy định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính vì có thể gây ra trào lưu, hệ quả xấu.
Từ thực tế làm nghề y, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi thông tin, những người phẫu thuật chuyển giới bị ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ giảm. Hiện Việt Nam chưa có cơ sở y tế để điều trị cho những người này vì thế họ gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu Dự luật thừa nhận chuyển đổi giới tính thì phải cân nhắc. “Cho phép phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam thì có thể rẻ hơn, nhưng nếu không quy định chặt chẽ có thể xuất hiện một trào lưu, hệ quả rất lớn” - bà Nhi bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo Bộ luật.
Còn Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nhận định, nhu cầu chuyển đổi giới tính là có thực. Việc Nhà nước chưa đồng ý việc này là bởi phải thay đổi lại hộ tịch, giới tính, chứng minh thư…
Do đó, muốn làm được, trước hết chúng ta phải cân nhắc, đánh giá hết những tác động xã hội của nó, như cuộc sống tinh thần của họ sau này thế nào, thể chất liệu có đảm bảo...