Giai đoạn 2009 - 2021: Hơn 324.000 vụ bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực trong gia đình (thường là phụ nữ, trẻ em và người già), mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội. Bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, với những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo số liệu thống kê của Bộ VH,TT&DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả điều tra này cũng cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Từ thực tế này, tháng 12/2021, Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã công bố Đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Việc thành lập đường dây nóng mới miễn phí của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng khi giờ đây người bị bạo lực, đặc biệt là những người sống tại các vùng nông thôn đã có thể tiếp cận với kênh trợ giúp, kịp thời và thân thiện.
Sau một thời gian hoạt động, Đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực đã cho thấy hiệu quả khi nhiều vụ bạo lực gia đình được giải quyết, ngăn chặn ngay từ mầm mống. Thực tế này cũng đặt ra đòi hỏi vấn đề Đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực cần thiết phải được luật hóa trong pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bởi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 chỉ quy định 3 địa chỉ tiếp nhận tin báo về việc bạo lực gia đình là UBND cấp xã; cơ quan công an gần nhất và người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực gia đình.
Luật hóa vấn đề đường dây nóng
Tháng 11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Tại Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định các tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình sẽ được tiếp nhận theo các địa chỉ: UBND cấp xã - nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra nhất; Trường học nơi người bị bạo lực gia đình học tập tại đấy; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra; Người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội cấp xã nơi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Như vậy có thể thấy, một trong những nội dung đáng chú ý của Luật là quy định về Tổng đài phòng chống bạo lực gia đình. Việc Tổng đài phòng chống bạo lực gia đình được luật hóa sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người bị bạo lực gia đình giải quyết vấn đề bạo lực đã và đang xảy ra với họ.
Hiện Bộ VH,TT&DL đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 do Bộ VH,TT&DL xây dựng nhằm bám sát và quy định chi tiết các nội dung trong Luật, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.
Theo Bộ VH,TT&DL, rất nhiều khái niệm và nội dung mới đã được đưa cụ thể vào dự thảo Nghị định. Đặc biệt Chương II của dự thảo quy định về Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; nguyên tắc bảo mật thông tin; tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá về tình trạng ban đầu khi tiếp nhận thông tin vụ việc bạo lực gia đình.
Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa có buổi làm việc với Ban soạn thảo. Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Vụ Gia đình và Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL hiện nay đã có 29 cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan trung ương và các tỉnh, thành gửi góp ý cho dự thảo Nghị định.
Đa số ý kiến tập trung vào góp ý cho các nội dung mới trong quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có những đề nghị liên quan đến Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình như: đề nghị cần có Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại riêng biệt; đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi các hoạt động của Tổng đài để đảm bảo hiệu quả các hoạt động của Tổng đài; quy định rõ hình thức cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp xã thông báo kết quả xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình cho Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…
Được biết, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xin ý kiến góp ý trực tiếp để thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo, đặc biệt là các bộ, ngành có liên quan trực tiếp tới việc ban hành, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong hai ngày 26 - 27/4/2023 tới đây, Vụ Gia đình phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tổ chức hội thảo tham vấn góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.