Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, Thông tư 01 quy định phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Vị trí của HĐXX, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.
Sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng phòng xử án hình sự, vị trí của HĐXX (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Vị trí của thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa). Tiếp đến là vị trí của đại diện VKS và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa…
Việc bố trí chỗ ngồi của đại diện VKS và luật sư ở các tòa án cấp tỉnh/thành trên cả nước lâu nay là vấn đề đã gây không ít tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh việc bố trí “ngang hàng” này được dư luận ủng hộ như tại TAND hai cấp TP Đà Nẵng hay TAND quận 5, TP HCM.
Với Thông tư 01, việc thống nhất bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang nhau sẽ thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, qua đó góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.