Luật sư Logan Leung: "Để phát triển trung tâm tài chính thành công, cần cung cấp "ưu đãi" về mặt pháp lý"

(PLVN) -“Để Việt Nam có thể phát triển một trung tâm tài chính thành công, điều quan trọng là cần cung cấp các "ưu đãi" về mặt pháp lý, vận hành và chiến lược” - Luật sư (LS) Logan Leung, Hãng Luật Rajah & Tann LCT), nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo PLVN.
Luật sư Logan Leung, Hãng Luật Rajah & Tann LCT),

Trung tâm tài chính quốc tế cần có khung pháp lý độc lập

PV: Trên thế giới hiện có nhiều mô hình trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) thành công mà Việt Nam có thể tham khảo, lựa chọn. LS ấn tượng với mô hình TTTCQT nào nhất và theo LS, khung pháp lý của mô hình nào phù hợp nhất để giúp Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư và tự do hóa tài chính?

Luật sư Logan Leung: Theo tôi, Việt Nam nên định hướng phát triển trung tâm tài chính theo mô hình thứ nhất – tức mô hình dựa trên việc mở cửa tiếp cận thị trường nội địa và đồng nội tệ.

TTTCQT Dubai (Dubai International Financial Centre – DIFC) - một mô hình đáng tham khảo - mô hình khu vực tài chính chuyên biệt cho phép Việt Nam triển khai các sáng kiến về TTTCQT trong một môi trường kiểm soát mà không gây ra biến động đến toàn bộ nền kinh tế.

Mặc dù DIFC hoạt động dựa trên hệ thống thông luật (common law), nhưng có nhiều yếu tố phù hợp với mô hình TTTCQT tại Việt Nam.

Điều này bao gồm: Có một cơ quan quản lý độc lập riêng biệt giám sát hoạt động của TTTCQT; Có các chính sách chuyên biệt (bao gồm cả thí điểm) dành cho một số lĩnh vực (ví dụ như môi trường thử nghiệm FinTech – sandbox); Và cho phép tự do hóa dòng vốn trong khu vực này.

"Cần lưu ý rằng, trung tâm tài chính không đơn thuần là một địa điểm – việc có những tòa nhà hiện đại hay tập trung nhiều ngân hàng không đủ để hình thành một trung tâm tài chính thực thụ. Một trung tâm tài chính là một thị trường với mức độ điều tiết nhẹ, nơi dòng tiền có thể lưu chuyển tự do…”. Luật sư Logan Leung, Hãng Luật Rajah & Tann LCT)

PV: Để Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế, nâng cao vị thế trên bản đồ tài chính khu vực và toàn cầu, theo LS, yếu tố nào cần phải được đặt lên hàng đầu khi xây dựng TTTCQT?

Luật sư Logan Leung: Để Việt Nam có thể phát triển một trung tâm tài chính thành công, điều quan trọng là cần cung cấp các "ưu đãi" về mặt pháp lý, vận hành và chiến lược.

Không nhất thiết phải có các ưu đãi tài chính hoặc tiền tệ (ví dụ: Ưu đãi thuế), bởi một trung tâm tài chính chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tự vận hành một cách hiệu quả và bền vững.

Cần lưu ý rằng, trung tâm tài chính không đơn thuần là một địa điểm – việc có những tòa nhà hiện đại hay tập trung nhiều ngân hàng không đủ để hình thành một trung tâm tài chính thực thụ.

Một trung tâm tài chính là một thị trường với mức độ điều tiết nhẹ, nơi dòng tiền có thể lưu chuyển tự do.

Về mặt pháp lý, TTTCQT cần có một khung pháp lý độc lập, đạt chuẩn quốc tế, với cách tiếp cận quản lý linh hoạt đối với lĩnh vực tài chính, cho phép các hoạt động kinh doanh và giao dịch được diễn ra một cách tự do.

Do đó, cần có quy trình cấp phép rõ ràng nhằm tránh những khó khăn hành chính cho các bên tham gia. Việc thiết lập các khuôn khổ thử nghiệm pháp lý (regulatory sandbox) cho lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác cũng là một điểm cộng.

Về mặt vận hành và chiến lược, một TTTCQT cần cho phép dòng vốn được luân chuyển tự do ra vào thị trường. Không nên yêu cầu phê duyệt đối với việc chuyển dòng tiền vào/ra.

Việc giới thiệu và triển khai các sản phẩm/dịch vụ mới cũng không nên bị ràng buộc bởi thủ tục phê duyệt phức tạp – cơ quan quản lý có thể thực hiện giám sát, nhưng không nên nhầm lẫn giữa việc giám sát và kiểm soát sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, TTTCQT cần đảm bảo khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa là cần có một ngôn ngữ sử dụng chính thức bên cạnh tiếng Việt trong mọi hoạt động của trung tâm (bao gồm cả các văn bản pháp lý, quy định). Thực tế, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) áp dụng tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống quy định và pháp luật của mình.

Xây dựng một tổ chức trọng tài chuyên biệt

PV: Theo nhận xét của LS, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, đặc biệt là các tranh chấp xuyên biên giới tại Việt Nam hiện nay đã đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chưa?

Luật sư Logan Leung: Mặc dù cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của Việt Nam đang có những bước cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại những khoảng trống khiến cơ chế này chưa đủ hấp dẫn hoặc tạo được sự yên tâm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài – đặc biệt trong các tranh chấp phức tạp, có giá trị lớn hoặc mang tính chất xuyên biên giới.

Nếu Việt Nam muốn vận hành một TTTCQT có tính cạnh tranh, thì đây là một lĩnh vực còn nhiều dư địa để cải thiện.

Trung tâm tài chính quốc tế Dubai ( Ảnh minh họa)

Hiện nay, Việt Nam vẫn cần củng cố hơn nữa quy trình và thực tiễn liên quan đến việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài, cũng như các thủ tục thi hành tiếp theo.

Việc thi hành các phán quyết trọng tài cần được thực hiện một cách nhất quán thông qua thủ tục tòa án tinh gọn, đồng thời toàn bộ quá trình thi hành cần được đảm bảo tính minh bạch.

Một ý tưởng mà Việt Nam có thể cân nhắc là nghiên cứu áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo mô hình của Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC). DIFC có hệ thống tòa án riêng, tách biệt và độc lập với hệ thống tòa án của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được thiết lập để giải quyết các tranh chấp dân sự và thương mại. Các tòa án DIFC thậm chí còn có các thẩm phán đến từ nhiều quốc gia khác nhau và giải quyết tranh chấp bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, DIFC còn có Trung tâm Trọng tài DIFC-LCIA – một tổ chức trọng tài độc lập, hoạt động dựa trên bộ quy tắc mô phỏng theo Tòa án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn (LCIA).

Mặc dù Việt Nam hiện đã có Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhưng trong trường hợp Việt Nam thành lập một TTTCQT, việc xây dựng một tổ chức trọng tài chuyên biệt – có thể hợp tác với một tổ chức trọng tài quốc tế khác (chẳng hạn như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore – SIAC) – là một khả năng hoàn toàn có thể được xem xét.

PV: Muốn vận hành TTTCQT thành công thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ năng lực thực hành theo chuẩn mực quốc tế. Theo LS, cần giải bài toán nhân sự cho TTTCQT tại Việt Nam thế nào?

Luật sư Logan Leung: Trên thực tế, Việt Nam đã có sẵn nhiều yếu tố cần thiết để hình thành một trung tâm tài chính. Việt Nam có nhiều ngân hàng – trong đó có không ít ngân hàng nước ngoài.

Hạ tầng hỗ trợ cũng đã hiện hữu với sự tham gia của các công ty kiểm toán, công ty luật và đội ngũ chuyên gia chuyên ngành – nhiều trong số đó là doanh nghiệp nước ngoài hoặc có liên kết với đối tác nước ngoài.

Việt Nam nên áp dụng một quy định đơn giản, theo đó cho phép các ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài được tự do tuyển dụng một số lượng nhất định chuyên gia nước ngoài mà không cần phải chứng minh lý do hay đưa ra bất kỳ hình thức giải trình nào.

Việc xác định nhu cầu nhân sự nên được để cho chính các ngân hàng và doanh nghiệp đó quyết định. Quy định tương tự cũng nên áp dụng cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước. Đây là cách nhanh nhất để nhận diện và lấp đầy các khoảng trống về nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Việt Nam hiện vẫn còn một số thách thức liên quan đến nguồn nhân lực – đặc biệt là nguồn nhân lực cần thiết để vận hành một TTTCQT thành công.

Cụ thể, theo quan sát của tôi, Việt Nam đang đối mặt với hiện tượng “chảy máu chất xám” khi nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các chuyên gia giỏi có xu hướng ra nước ngoài làm việc để tìm kiếm mức thu nhập cao hơn, cơ hội phát triển nghề nghiệp và môi trường làm việc có tính toàn cầu.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại các TTTCQT như Singapore hay New York thường ít quay về làm việc tại Việt Nam do chênh lệch lớn về đãi ngộ và cơ hội tiếp cận thị trường.

PV: Thực tế, Việt Nam cũng khẳng định cần phải có cơ chế đột phá thì mới có thể thu hút đầu tư và phát triển trung tâm tài chính. Luật sư có thể gợi ý một số cơ chế đột phá mà LS cho là cần thiết áp dụng ngay cho trung tâm tài chính tại Việt Nam?

Luật sư Logan Leung: Về khung pháp lý: Việt Nam cần xây dựng một hệ thống pháp luật và quy định riêng biệt trong phạm vi TTTCQT, được thiết kế theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Hệ thống này cần tách biệt với hệ thống pháp luật và tiền tệ đang được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Như đã đề cập ở trên, trong khuôn khổ TTTCQT nên thiết lập các cơ quan xét xử và cơ quan quản lý chuyên trách. Các cơ quan này cần có tính độc lập pháp lý (nhưng vẫn có thể chịu sự giám sát của một cơ quan cấp quốc gia). Đây là yếu tố then chốt nhằm xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư.

Tự do hóa dòng vốn: TTTCQT cần cho phép dòng vốn, tiền tệ và các công cụ tài chính được lưu chuyển tự do. Điều này bao gồm khả năng chuyển đổi ngoại tệ một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Tuy nhiên, quá trình này cần được triển khai đồng thời với các cơ chế “khoanh vùng rủi ro” (ringfencing) nhằm đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Điều này vừa giúp tạo điều kiện cho các hoạt động tài chính quốc tế, vừa duy trì ổn định kinh tế trong nước.

Về hạ tầng số: TTTCQT nên đóng vai trò như một môi trường thử nghiệm (sandbox) cho các công nghệ tài chính (FinTech) và các công nghệ thế hệ mới. Ví dụ, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho ngân hàng số, tiền kỹ thuật số (crypto) và công nghệ mã hóa tài sản (tokenization) sẽ giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm (VCs).

PV: Trân trọng cảm ơn LS!

Vân Hương (thực hiện)

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình TTTCQT thành công như: Mỹ, Anh, Dubai, Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải… Vì thế, mô phỏng mô hình nào để có thể tạo nên lợi thế cho TTTCQT của Việt Nam cũng là điều cần phải bàn. LS Logan Leung đánh giá: Về cơ bản, có hai mô hình trung tâm tài chính chính đó là:

Thứ nhất, các trung tâm tài chính phát triển dựa trên quy mô của thị trường nội địa và các trung tâm này cho phép sử dụng tự do đồng nội tệ (ví dụ: New York).

Thứ hai, các trung tâm tài chính hạn chế sử dụng đồng nội tệ (hoặc ít nhất là đặt ra những rào cản đáng kể đối với việc sử dụng đồng nội tệ trong thực tiễn), nhưng lại cho phép dòng vốn lưu chuyển tự do bằng các ngoại tệ khác. Đồng thời, đóng vai trò trung gian tài chính (giữa các thị trường và trung tâm tài chính khác, hay giữa các quốc gia) cho các quốc gia trong khu vực lân cận (điển hình như Singapore).

LS Logan Leung cho rằng, Việt Nam phát triển theo mô hình trung tâm tài chính thứ hai sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi, trong khu vực vốn đã tồn tại những trung tâm tài chính rất phát triển, đang đảm nhận vai trò trung gian cho các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, rất khó để xác định được những lợi thế cụ thể mà Việt Nam có thể mang lại – dù là cho các quốc gia trong khu vực hay cho các thị trường và trung tâm tài chính khác – nhằm thu hút dòng vốn lưu chuyển qua Việt Nam.

Đọc thêm