Luật sư phải “lụy” cơ quan tiến hành tố tụng?

Qui định về cấp Giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa luôn bị các Luật sư (LS) chỉ trích là “rào cản” lớn nhất đối với hoạt động hành nghề LS trong quá trình tham gia tố tụng. Tuy Luật LS (sửa đổi) đã cố gắng “dung hòa”, song sự tồn tại của GCN người bào chữa trong Luật vẫn là vết “gợn” thúc đẩy giới LS tiếp tục “đấu tranh” đòi xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà này.

Qui định về cấp Giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa luôn bị các Luật sư (LS) chỉ trích là “rào cản” lớn nhất đối với hoạt động hành nghề LS trong quá trình tham gia tố tụng. Tuy Luật LS (sửa đổi) đã cố gắng “dung hòa”, song sự tồn tại của GCN người bào chữa trong Luật vẫn là vết “gợn” thúc đẩy giới LS tiếp tục “đấu tranh” đòi xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà này.

Trong nhiều trường hợp, thậm chí được cấp giấy chứng nhận  bào chữa rồi Luật sư vẫn bị làm khó
Trong nhiều trường hợp, thậm chí được cấp giấy chứng nhận bào chữa rồi Luật sư vẫn bị làm khó

Muốn làm phải xin phép “đối thủ”

LS và cơ quan tiến hành tố tụng là hai “đối thủ”, có mục đích khác nhau, một bên gỡ tội và một bên buộc tội. Như thế thật khó để cơ quan tiến hành tố tụng “tạo điều kiện cho LS” tham gia quá trình tố tụng để “ngáng chân”, “chọc ngoáy” vào việc họ buộc tội bị can, bị cáo bằng “những qui định, đề nghị, yêu cầu... luật định”, mà nếu không có LS, bên buội tội có thể bỏ qua để thực hiện nhiệm vụ “thuận buồm xuôi gió”.

Nên từ lâu, tình trạng đòi hỏi thêm giấy tờ, không chấp nhận GCN người bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng khác cấp trong cùng một vụ án, chậm cấp GCN người bào chữa, tùy tiện từ chốc cấp GCN người bào chữa mà không nêu lý do chính đáng... đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cải cách quá trình tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Hà Nội có 1.800 LS và gần 800 tổ chức hành nghề LS, song kết quả khảo sát của Đoàn LS TP.Hà Nội (từ ngày 25/6 đến ngày 4/7) về thực trạng LS tham gia bào chữa vụ án hình sự cho thấy, giai đoạn tố tụng nào cũng có trường hợp LS không được các cơ quan tiến hành tố tụng cho phép tham gia tố tụng (qua việc cấp GCN bào chữa).

Bên cạnh đó, giai đoạn điều tra là giai đoạn mà LS nhận được GCN người bào chữa không đúng thời hạn nhiều nhất trong các giai đoạn tố tụng hình sự mà nguyên nhân chủ yếu là LS bị cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ khác ngoài qui định của Điều 27 Luật LS, hoặc cán bộ - Điều tra viên quanh co không nói rõ lý do.

Như vậy, LS – được Nhà nước công nhận và khuyến khích phát triển hoạt động hành nghề - không thể thực hiện được quyền bào chữa của mình chỉ vì… thiếu một tờ giấy. Đồng nghĩa với việc thiếu cơ chế đối trọng, giám sát trong hoạt động tố tụng và nguy cơ oan sai là khó tránh khỏi khi sự thật khách quan của vụ án, hành vi chỉ được nhìn nhận từ một phía “buộc tội”.

Sửa luật, vẫn phải “lụy”

Với qui định về GCN người bào chữa (Điều 27 Luật LS sửa đổi), tuy đã đơn giản hóa về thủ tục, tăng hiệu lực của GCN người bào chữa song về hình thức, LS vẫn bị buộc phải “lụy” cơ quan tiến hành tố tụng để được thực hiện quyền bào chữa của mình và quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý và LS, nếu LS đủ tư cách hành nghề (có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp và Thẻ LS do Liên đoàn LS Việt Nam cấp), cùng với yêu cầu LS của bị can, bị cáo hoặc người thân của bị can, bị cáo thì hà cớ gì LS phải xin thêm GCN người bào chữa từ các cơ quan tiến hành tố tụng?

Một LS người Đức đã rất ngạc nhiên khi được hỏi về “thủ tục cấp GCN người bào chữa” ở Đức bởi ông cho biết, LS ở Đức chỉ cần Thẻ hành nghề LS và có yêu cầu của khách hàng là được thực hiện hoạt động bào chữa.

Theo LS Hoàng Huy Được (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội) và nhiều LS khác, bỏ việc cấp GCN bào chữa là nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ, đồng thời phù hợp với thông lệ chung của pháp luật các nước trên thế giới. Luật LS (sửa đổi) chưa bỏ được GCN người bào chữa thì sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự phải theo hướng bỏ qui định về GCN người bào chữa.

Song, một số Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý thức pháp luật và tình hình diễn biến tội phạm ở nước ta hiện nay thì trước mắt, việc duy trì quy định cấp GCN người bào chữa cho LS trong tố tụng hình sự là cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy.

Trong trường hợp này, “chấp nhận” sống chung với GCN, các LS đề nghị “qui định thời gian cấp GCN người bào chữa trong 01 ngày”, bổ sung chế tài với người có hành vi vi phạm qui định về cấp và thời hạn cấp GCN người bào chữa.

Tuy vậy, xuất phát từ yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong tương lai vẫn cần nghiên cứu bãi bỏ quy định cấp GCN người bào chữa để đảm bảo tính chủ động cho LS tham gia vào quá trình tố tụng hình sự theo hướng cải cách tư pháp.

Huy Anh 

Đọc thêm