Theo AFP, theo luật mới, chính quyền các bang ở Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm giám sát tiến độ thực hiện các dự án của các công ty bất động sản nhằm đảm bảo họ thực hiện theo đúng kế hoạch được công bố đối với tất cả các vấn đề, từ đánh số cho đến diện tích căn hộ và tiến độ xây dựng. Các điều khoản trong luật mới quy định rõ tiền của người mua nhà sẽ phải được ký quỹ vào một tài khoản giống như chứng thư ủy thác và chỉ có thể được sử dụng vào dự án bất động sản mà họ đang đầu tư chứ không thể dùng để khởi công dự án tiếp theo của công ty bất động sản.
Luật này quy định rõ nếu các căn hộ không được bàn giao đúng thời điểm cam kết, công ty xây dựng sẽ phải trả tiền lãi hàng tháng cho khoản tiền mà người mua nhà phải vay ngân hàng. Những chủ các công ty phát triển bất động sản sẽ phải đối mặt với việc bị phạt tù lên đến 3 năm và bị phạt những khoản tiền đáng kể nếu vi phạm các điều khoản trong luật. Luật mới này được áp dụng với cả các dự án đang được tiến hành lẫn các dự án xây dựng mới.
Hiệp hội các nhà phát triển bất động sản của Ấn Độ đã ủng hộ luật mới nói trên, cho rằng đây là một bước tiến mới nhằm đảm bảo quản lý tốt hơn lĩnh vực bất động sản ở nước này. “Luật mới này sẽ giúp khôi phục lòng tin của người mua vào lĩnh vực bất động sản”, Chủ tịch Hiệp hội Jaxay Shah nói.
Luật mới của Ấn Độ được ban hành nhằm bảo vệ hàng ngàn người mua nhà ở nước này khỏi những công ty xây dựng không có đạo đức. Từ giữa những năm 2000 trở lại đây, khi cơn sốt bất động sản bùng nổ ở Ấn Độ, hàng triệu người dân thuộc tầng lớp trung lưu vốn mong muốn có được một ngôi nhà của riêng họ đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án xây dựng được tiến hành ở các khu vực ngoại ô các thành phố lớn.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ngành công nghiệp xây dựng ở Ấn Độ vẫn còn tồn tại hàng loạt các vấn đề và nhiều người mua nhà trong số đó đã trở thành những nạn nhân của những hành vi có thể nói là lừa đảo. “Những gì mà họ cho chúng tôi xem ban đầu và những gì mà họ bàn giao luôn khác nhau một trời một vực. Những công ty bất động sản khi rời đi đã có được mọi thứ mà họ muốn còn những người mua chỉ có một bản hợp đồng sơ sài. Nhưng với luật mới, họ sẽ không thể tùy tiện làm mọi việc mà họ muốn nữa”, ông Gulam Zia, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank India, nói.
Con đường từ Delhi tới thành phố vệ tinh Noida chính là bằng chứng điển hình cho những vấn đề nói trên. Dọc theo tuyến đường đó là hàng loạt tòa nhà căn hộ được xây dựng kiểu nửa vời, hầu hết đều chậm so với tiến độ. Lotus Panache là một trong những căn hộ kiểu như vậy. Theo quảng cáo ban đầu của Công ty 3C – chủ đầu tư của tòa nhà, tòa nhà này sẽ là sự pha trộn tuyệt vời giữa phong cách sống sang trọng và ngoại ô”, với điểm nhấn là một trung tâm giải trí và thể thao có diện tích lên đến 12.500m2.
Tuy nhiên, thực tế lại khác xa hoàn toàn. Dù người mua đã trả ít nhất là 90% số tiền mua căn hộ nhưng cho đến nay mới chỉ có 800 trong tổng số 4.200 căn hộ dự kiến được bán ra được bàn giao cho khách hàng và dự án này cũng đã chậm so với tiến độ lên đến gần 4 năm.
Khu thể thao và trung tâm giải trí đến nay mới chỉ là một căn hộ trống rỗng, một bể bơi nhỏ và vài thứ đồ chơi cho trẻ em. Khoảng 600 người mua căn nhà ở khu này đã đệ đơn kiện chống lại chủ đầu tư ra tòa án người tiêu dùng để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho họ cũng như bồi thường cho việc chậm trễ bàn giao nhà. Nhưng do tốc độ chậm chạp của hệ thống tư pháp vốn đang quá tải tại Ấn Độ nên vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Hay như vụ việc một cặp vợ chồng đã vay mượn 44.000 USD để mua một căn hộ ở tầng 19 của một tòa nhà do Công ty Supertech xây dựng ở ngoại ô Delhi. Nhưng mãi đến khi đã trả được 95% giá trị căn hộ, họ mới biết được rằng công ty chỉ được phép xây dựng 12 tầng. Hiện, cặp vợ chồng cũng đã đệ đơn kiện ra tòa nhưng vẫn phải trả tiền lãi cho khoản vay của mình vì vụ việc chưa xử xong. Với việc luật mới có hiệu lực, nhiều người ở Ấn Độ hy vọng những trường hợp tương tự sẽ không tái diễn.