Luật Thủ đô tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ và những cơ chế ưu đãi tạo điều kiện để đội ngũ trí thức của Thủ đô có điều kiện phát triển, cống hiến cho Thủ đô và cho đất nước.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ không chịu thuế thu nhập cá nhân

Để phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ, Luật ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển.

Theo quy định của Luật, lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác do HĐND TP quyết định.

UBND TP ban hành danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Luật quy định, các tổ chức khoa học và công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách TP để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách TP.

Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động trên địa bàn TP được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách TP để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

Đánh giá cao các chính sách về phát triển khoa học và công nghệ được quy định trong Luật, Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Luật đã có các cơ chế ưu đãi để các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt để đội ngũ trí thức của Thủ đô có điều kiện phát triển, cống hiến cho Thủ đô và cho đất nước. Do đó, việc thông qua Luật có ý nghĩa rất lớn.

Bước tiến dài để Thủ đô phát triển đột phá, tăng trưởng

Một trong những quy định đáng chú ý khác tại Luật Thủ đô là quy định tại Điều 36 cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ thúc đẩy từ mức sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

UBND TP xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm trình HĐND TP phê duyệt, trong đó xác định rõ hình thức tổ chức hoạt động của Quỹ; thời gian hoạt động của Quỹ; mức hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách TP; phương thức đầu tư, đối tượng hợp tác, nhận vốn đầu tư; cơ chế đánh giá, kiểm soát rủi ro, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, vận hành Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP.

HĐND TP phê duyệt đề án, quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện. UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Khẳng định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là điểm sáng trong Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An cho biết, việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát là một chính sách vô cùng quan trọng.

Bởi, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm theo rủi ro, trong nghiên cứu khoa học, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức, nhà khoa học chưa thực sự có động lực dấn thân vào thử nghiệm nghiên cứu sản phẩm, giải pháp mới. Vô hình chung, sự an toàn đã triệt tiêu tính sáng tạo trong xã hội.

“Nếu xã hội không cho thử nghiệm thì không thể nào có cái mới, đột phá được. Vì thế, nếu chấp nhận có sáng tạo, có đổi mới, phải chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học mới mạnh dạn vào cuộc”, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.

Trong bối cảnh như vậy, bà Bùi Thị An cho rằng, việc Luật Thủ đô được thông qua đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong nghiên cứu khoa học, cho phép thử nghiệm có giám sát của cơ quan Nhà nước.

“Luật đã tạo động lực, điểm tựa cho nhà khoa học, để nhà khoa học dấn thân nghiên cứu, kích thích sự sáng tạo. Đây sẽ là bước tiến dài cho Thủ đô có điều kiện phát triển đột phá, tăng trưởng”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Với những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá và ưu đãi nêu trên, nhiều ý kiến đánh giá Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp TP tạo ra được cơ chế đặc thù, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời góp phần tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, Thủ đô Hà Nội đã có quá trình là một trong những đơn vị hành chính thu hút nhiều nhân tài, các nhà khoa học. Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.

“Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài. Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát huy tốt các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới”, Đại biểu tin tưởng.

Đọc thêm