Luật thuế chưa quản được nợ đọng

Số nơ đọng tiền thuế đang ở mức báo động. Nhưng theo ý kiến nhiều ĐBQH, Luật chưa có biện pháp để giải quyết vấn nạn này.
Hôm nay, Luật quản lý thuế được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự luật chưa  đáp ứng hết những vấn đề thực tiễn đặt ra và tình trạng trốn thuế, vi phạm về kê khai thuế vẫn diễn ra.
Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo luật cần được sửa đổi một cách toàn diện hơn, không nên sửa đổi bổ một số điều rồi thời gian tới lại sửa dẫn đến thiếu nhất quán, không đồng bộ và thậm chí ảnh hưởng đến nhiều mặt, trong đó có thu hút đầu tư. Đại biểu Cự cũng đề nghị Luật không nên chờ nghị định, thông tư để cho người dân hiểu, mà luật phải càng rõ ràng, cụ thể càng thuận lợi khi có hiệu lực.
Cùng ý kiến, Đại biểu Trần Quang Chiều (đoàn Nam Định) khẳng định, Luật quản lý thuế chưa bao quát, một số nội dung không đáp ứng được thực tế.
Đại biểu Vũ Văn Ninh (đoàn Nam Định) nêu ý kiến, không nên lồng ghép quá nhiều chính sách vào Luật, bởi sẽ khó quản lý, dễ bị lợi dụng. Ví dụ, có những cơ quan nhập khẩu được miễn thuế nhưng thực tế việc sử dụng điều này còn bất cập. Nếu đối tượng thuộc diện được chi ngân sách thì cứ chi chứ sao lại thiết kế vào miễn thuế?.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh), cho rằng, không nên kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung luật.  “Nếu không làm nhanh thì thất thu thuế, các văn bản thủ tục ban hành không kịp thời. Tại sao mất 18 tháng mới sửa một số điều của một Luật mang tính cấp thiết, rồi mất nhiều tháng nữa mới có hiệu lực, hướng dẫn thi hành thì làm sao đáp ứng yêu cầu điều hành của Chính phủ?”, ông nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chế tài chưa nghiêm khắc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm về thuế còn nhiều. Do đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung phải có những quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế các đại biểu đề nghị cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn như trong dự thảo lên 20% để tăng tính răn đe trước tình trạng lẩn tránh, không tuân thủ quy định pháp luật.
Có đại biểu lại cho rằng tính nghiêm khắc của luật không phải mức xử phạt, mà quan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra, đối với hoạt động liên quan đến việc thực thi luật về thuế.
Có lẽ cũng bởi  công tác thanh tra, kiểm tra, đối với hoạt động liên quan đến việc thự thi luật về thuế còn lỏng lẻo, nên hiện nay, số tiền nợ đọng về thuế rất lớn. ĐB Huỳnh Thành Lập, TP.HCM than phiền rằng, riêng năm 2011, thành phố còn tồn đọng tới 1.426 tỷ đồng nợ thuế quá hạn.
“Ở các nước, người ta sợ thuế hơn sợ cảnh sát. Bị phát hiện sai phạm thuế, có khi DN phá sản. Việt Nam thì khác... Ở Việt Nam thường “thả gà ra đuổi”, với việc cho chậm nộp, tạm nhập tái xuất nên nợ đọng thuế chủ yếu do hoạt động này và thất thoát cũng từ đấy”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: “Tôi mong chính sách thuế đừng lồng quá nhiều các chính sách khác vào đây, như chính sách an sinh xã hội chẳng hạn. Điều này vừa gây khó quản lý, vừa dễ lợi dụng chính sách. Theo tôi, cái gì nhà nước phải chi thì cứ chi. Chính sách thuế càng đơn giản, minh bạch, quản lý càng tốt, quy định càng phức tạp thì càng thất thu”.
Nhìn nhận về mức phạt thuế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nói: “Thực ra mức phạt chậm nộp thuế 0,7%/ ngày có thấp đâu, tương đương 25%/năm. Mức phạt như thế không nhỏ. Nhiều DN không có sức mà nộp đủ một lần”.
Nhật Thanh

Đọc thêm