Chiều qua (21/6), sau 27 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc với nhiều kết quả tốt đẹp, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra.
Qua 44 phiên họp toàn thể tại Hội trường và 10 phiên họp tại Tổ, các ĐBQH đã xem xét, thảo luận thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và duy trì tăng trưởng hợp lý, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Đặc biệt, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, bàn thảo, quyết định về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó, có việc tiếp thu ý kiến nhân dân, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cũng tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Quốc hội cũng đã xem xét và thông qua 9 luật, cho ý kiến 8 dự án luật, ban hành 9 Nghị quyết.
Bảo đảm hiệu lực và thực hiện quyền giám sát của các cơ quan dân cử, Quốc hội đã thực hiện giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiện, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2016-2020, chất vấn 1 Phó Thủ tướng và 4 Bộ trưởng, trưởng ngành và ban hành các Nghị quyết về các vấn đề này.
Nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hàng năm
So với Chương trình đề ra, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được đưa ra thông qua tại kỳ họp này. Ông Nguyễn Sỹ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết, lý do là dự thảo này là một đạo luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và mọi người dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước kỳ họp có gần 6 triệu ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và được tổng hợp báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên khi ĐBQH thảo luận thì còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn. Bên cạnh đó, cần thời gian giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH và xây dựng các văn bản hướng dẫn để kịp ban hành khi Luật có hiệu lực từ 1/7/2014 thì được thực thi ngay.
Bên cạnh đó, một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiện dự thảo này đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Tuy nhiên, việc quyết định thời gian thông qua Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 sẽ liên quan đến qui định trong Luật Đất đai hiện hành về thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; theo đó phần lớn đất được giao đến ngày 15/10/2013 là hết hạn. Trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.
Như vậy, từ 1/10/2013, khi hết thời hạn sử dụng, Nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật đất đai hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực; khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật đất đai (sửa đổi).
Sẽ rút kinh nghiệm về việc lấy phiếu tín nhiệm Trả lời báo giới về một số vấn đề xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, “vì đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên còn cần rút kinh nghiệm nhiều. Nhưng đây cũng là cơ hội để ĐBQH và cử tri đánh giá kết quả hoạt động của các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn”. Lý giải về việc khối hành pháp không được nhiều phiếu tín nhiệm cao so với khối lập pháp và tư pháp, Chủ nhiện Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Kết quả này phản ánh khách quan thước đo về “mặt này mặt khác” của lãnh đạo, phản ánh hiện trạng đất nước còn khó khăn, cần tháo gỡ. Vì thế khối hành pháp không có nhiều phiếu tín nhiệm cao cũng là bình thường. Song qua đó, mỗi lãnh đạo cần “nhìn vào để nỗ lực làm việc, không ngừng nâng cao hoàn thiện bản thân”. |
Hương Giang