'Lùm xùm' vụ kiện tác quyền của tỷ phú Hoàng Kiều

(PLO) - Tỷ phú người Mỹ gốc Việt tuyên bố Sky Music phải đền bù 150.000 USD (hơn 3 tỷ đồng)/một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vì đơn vị này vi phạm bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên “bị đơn” bất ngờ cho rằng đã gửi đơn “kiện ngược”.  
Tỷ phú Hoàng Kiều đòi kiện Sky Music
Tỷ phú Hoàng Kiều đòi kiện Sky Music

Trao đổi với PLVN ngày 7/1/2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) cho biết, đơn vị này vừa nhận được văn bản từ tỷ phú Hoàng Kiều ủy quyền khởi kiện Sky Music. Lý do đơn vị này vi phạm bản quyền tác phẩm khi sử dụng nhạc Hoàng Thi Thơ mà không xin phép. Cụ thể, trong văn bản trên, ông Hoàng Kiều là cháu ruột nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tuyên bố: Sẽ kiện Sky Music và yêu cầu công ty này phải đền bù 150.000 USD/ bài.

Luật sư riêng của ông Hoàng Kiều tại Mỹ cũng xác nhận họ đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện Công ty Sky Music như đã đề cập ở trên. 

Ngoài ra, tỷ phú Hoàng Kiều cũng yêu cầu Sky Music “chấm dứt ngay hành vi ăn cắp tài sản của người khác để kinh doanh”. Ông đang cùng luật sư của mình lựa chọn luật sư Việt Nam am hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ cũng như luật bản quyền quốc tế và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đại diện cho ông trong vụ việc này. 

Liên quan đến vụ việc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC cho biết: “Ông Kiều hiện là chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và đại diện ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC thay mặt chủ sở hữu thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến quyền tác giả. Việc ông Kiều có văn bản yêu cầu gửi về VCPMC để giải quyết vụ việc này hoàn toàn bình thường vì đó là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu”.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam

Trước các thông tin trên, đại diện Công ty Sky Music, Giám đốc Phạm Hà Anh Thủy phủ nhận cáo buộc của VCPMC. Ông cho rằng công ty luôn thực hiện đúng bản quyền, thu phí theo tần suất đúng quy định. 

“Chúng tôi đã có nhiều lần đàm phán với VCPMC nhưng không thành công. Hiện Sky Music đã gửi đơn kiện VCPMC về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bôi nhọ danh dự công ty lên TAND quận 10, TP HCM. Đơn kiện đã được xác nhận và đang trong quá trình xử lý”, ông Thủy cho hay.

“Phản pháo”, phía VCPMC cho hay, từ năm 2016, VCPMC đã tuyên bố Sky Music có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, Sky Music bị cho là đã sử dụng số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc của những tác giả được VCPMC bảo hộ vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, theo đại diện của VCPMC thì phía Sky Music luôn có thái độ đáp trả thiếu thiện chí, thậm chí “kiện ngược” khi VCPMC làm việc.

Sky Music khẳng định “muốn tạo lập thị trường âm nhạc tôn trọng bản quyền”, nhưng lại bị tố xâm phạm bản quyền
Sky Music khẳng định “muốn tạo lập thị trường âm nhạc tôn trọng bản quyền”, nhưng lại bị tố xâm phạm bản quyền

Tính đến nay, theo kết quả mà VCPMC công bố thời gian vừa qua, căn cứ vào đối soát với danh sách tác phẩm do Sky Music cung cấp (đã được Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng chứng thực) thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chỉ là một trong khoảng 700 tác giả trong và ngoài nước với khoảng 2.000 tác phẩm đã và đang bị Sky Music xâm phạm. Theo đó, Sky Music chưa chi trả khoảng 3,3 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc của các nhạc sĩ có ủy quyền cho CVPMC dù nhạc sĩ và VCPMC liên tục hối thúc công ty này.

Phía VCPMC cho biết, đơn vị đã chính thức báo cáo cơ quan chủ quản (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và các cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc nhằm đòi lại công bằng cho các nhạc sĩ đang bị vi phạm tác quyền. 

Trước sự kiện ồn ào này, trao đổi với PV Báo PLVN, có nhiều người đã ủng hộ thái độ quyết liệt bảo vệ quyền lợi của tỷ phú Hoàng Kiều. Cũng không ít ý kiến cho rằng, việc kiện đòi tiền tác quyền không hẳn đơn giản vì thủ tục tố tụng rất nhiêu khê, tốt hơn hết là các bên cần ngồi lại thỏa thuận với nhau để xử lý vấn đề. Cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là một chiêu trò nhằm “đánh bóng tên tuổi”… 

Một số luật sư cho hay, trên thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005 đến nay đã được hơn 13 năm, tuy nhiên tình trạng vi phạm về quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan và có chiều hướng ngày càng tinh vi. 

Điều này có thể lý giải, một phần do nhiều đơn vị sử dụng nhạc chưa ý thức đầy đủ và nghiêm túc về nghĩa vụ, thậm chí vì lợi nhuận mà họ ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm. Phần khác do việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ. Còn có lý do công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quyền tác giả chưa triệt để và chưa đủ sức răn đe.