Lưỡi nhú lông đen cần phải làm gì?

Lưỡi lông đen là một tình trạng diễn ra tạm thời, biểu hiện bằng những nhú lông màu đen trên bề mặt lưỡi sẽ rất dễ giữ lại khói thuốc lá, thức ăn hay một số thứ tương tự, thêm cả vi khuẩn và các loại men khiến lưỡi bị ố bẩn.
Lưỡi nhú lông đen cần phải làm gì?

Những lông đen trên lưỡi là kết quả của sự tích tụ các tế bào chết bề mặt thuộc những tổ chức nhỏ xíu (nhú lưỡi) trên mặt lưỡi, những tổ chức này chứa các gai vị giác.

Mặc dù chứng lưỡi lông đen nhìn có vẻ nguy hiểm những thực ra nó không gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào, và thường thì người mắc phải không cảm thấy đau. Nó thường tự khỏi mà không cần phải uống thuốc hay can thiệp gì.

Dấu hiệu và triệu chứng của lưỡi lông đen:

Thay đổi màu sắc ở lưỡi làm lưỡi có màu đen, thậm chí có cả màu nâu, nâu vàng, xanh lá, vàng hoặc trắng.

Trên bề mặt lưỡi có xuất hiện các lông.

Cảm giác vị giác thay đổi hoặc xuất hiện vị kim loại trong miệng.

Hơi thở có mùi hôi

Buồn nôn hoặc có cảm giác ngứa lưỡi khi các nhú lưỡi phát triển quá dài.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Mặc dù biết đây là một tình trạng không nguy hiểm và chỉ là tạm thời, tuy nhiên bạn sẽ cần gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau đây:

Bạn quan ngại về hình dạng lưỡi thay đổi của mình

Lưỡi vẫn không hết lông đen kể cả khi bạn đánh răng và chải lưỡi 2 lần /ngày.

Lưỡi lông đen là kết quả của hiện tượng các nhú vị giác trên lưỡi dài ra và không rụng như bình thường khiến cho chúng nhìn giống như những chiếc lông. Các vụn thức ăn, vi khuẩn hay các tổ chức khác có thể mắc lại ở đây và làm lưỡi thay đổi màu sắc.

Nguyên nhân của lưỡi lông đen không phải lúc nào cũng có thể xác định được. Tuy nhiên có một số nguyên nhân hay gặp như:

Sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn và enzym miệng do uống thuốc kháng sinh nhiều.

Vệ sinh miệng kém

Chứng khô miệng

Uống thuốc có chưa kim loại Bismuth (Bi)

Thường xuyên sử dụng các loại nước súc miệng chứa chất oxy hóa hay chất làm co da và niêm mạc như nước cây phỉ (là một trong các loại thảo mộc có thuộc tính làm se da) hay tinh dầu bạc hà.

Hút thuốc

Bị kích thích do uống đồ uống quá nóng như cà phê hay trà nóng.

Chế độ ăn toàn đồ ăn mềm không loại bỏ được các tế bào chết ra khỏi lưỡi.

Sau đây là những điều bạn cần làm trước khi đi khám và những điều mà bác sĩ hay nha sĩ có thể giúp bạn:

Bạn cần làm gì?

Chuẩn bị những câu hỏi bạn có thể hỏi nha sĩ về vấn đề của mình:

Nguyên nhân gây ra tình trạng này?

Phải làm như thế nào để xử lí tốt nhất?

Có phải kiêng ăn gì không?

Có thể đợi cho tình trạng này tự hết mà không cần uống thuốc hay can thiệp gì?

Những điều phải theo dõi chặt chẽ?

Đừng ngại hỏi bác sĩ bất cứ điều gì thắc mắc về vấn đề của mình.

Nha sĩ có thể giúp gì bạn?

Bác sĩ hay nha sĩ sẽ hỏi bạn những triệu chứng về bệnh và việc chăm sóc răng miệng của bạn, bao gồm:

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện khi nào?

Nó có gây khó chịu cho bạn?

Triệu chứng biểu hiện liên tục hay chỉ thỉnh thoảng?

Bao lâu bạn đánh răng hay vệ sinh răng giả (nếu có) một lần?

Bạn có thường dùng chỉ nha khoa không?

Bạn sử dụng loại nước súc miệng nào?

Bạn uống trà và cà phê ở mức độ thường xuyên như thế nào?

Bạn có hút thuốc không?

Bạn có đang sử dụng thuốc thảo mộc hay có các thành phần phụ khác nào không?

Bạn có phải thở bằng miệng không?

Bạn đã từng gặp vấn đề nào về viêm nhiễm hay đau ốm gần đây không?

Gần đây bạn có bị viêm nhiễm vùng miệng hay có triệu chứng gì lạ ở miệng không?

Việc chẩn đoán lưỡi lông đen bao gồm việc loại trừ hết các yếu tố gây ra những biểu hiện tương tự ở lưỡi, như:

Sự thay đổi màu sắc bình thường ở lưỡi (thay đổi sắc tố)

Vệ sinh răng miệng kém

Thức ăn hay thuốc uống gây thay màu lưỡi

Nhiễm nấm hay nhiễm virus

Viêm niêm mạc miệng

Lưỡi lông đen thông thường không cần chữa bằng thuốc. Bạn chỉ cần vệ sinh răng miệng thường xuyên và loại trừ hết các yếu tố gây ra vấn đề này, như hút thuốc hay dùng thuốc chứa Bismuth để giải quyết tình trạng lưỡi lông đen này. Hãy đảm bảo là bạn nói chuyện với bác sĩ điều trị của mình về việc sẽ dừng uống thuốc đang uống.

Làm thế nào để màu lưỡi trở nên bình thường?

Chải lưỡi

Khi bạn đánh răng, hãy chải lưỡi nhẹ nhàng để loại bỏ tế bào chết, vi khuẩn và thức ăn thừa. Hãy sử dụng bàn chải có lông mềm mại hoặc dụng cụ chải lưỡi dễ uốn.

Chải lưỡi sau khi ăn và uống

Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, nhưng tốt nhất là đánh răng sau mỗi bữa ăn với kem đánh răng chứa Flo. Nếu bạn không thể đánh răng sau bữa ăn, ít nhất hãy súc miệng bằng nước.

Dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần một ngày

Chỉ nha khoa giúp loại bỏ thức ăn thừa và bựa răng giữ các kẽ răng.

Khám nha sĩ thường xuyên

Đi khám nha khoa định kì để kiểm tra răng miệng thường xuyên giúp nha sĩ có thể phát hiện vấn đề và chữa trị cho bạn sớm và cũng để nha sĩ cho bạn các lời khuyên về chăm sóc răng miệng.

Phạm Dung

(Viện Y học Ứng dụng Việt Nam)