Duyên với nghề thầy thuốc
Dù mới tiếp xúc lần đầu, ông Nguyễn Sỹ Quyền dễ gây thiện cảm với người đối diện bởi vầng trán rộng, đôi mắt tinh tường và cách nói chuyện từ tốn. Hơn ba chục năm làm thầy thuốc, ông Quyền có nhiều biệt tài, đặc biệt là việc bắt mạch chữa bệnh viêm cầu thận. Các bài thuốc đông y của ông Quyền đều là các bài thuốc gia truyền của tổ tiên. Những bài thuốc này đều kế thừa từ các vị danh y nổi tiếng của dân tộc như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…
Lương y Quyền là hậu duệ trong một gia đình truyền đời với nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Thân sinh ra ông cũng là một danh y nổi tiếng ở trong vùng. Do sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y học nên ngay tử nhỏ các bài thuốc của tổ tiên cứ ngấm dần, chạy rần rật trong huyết quản. Nhiều lúc ông suy nghĩ muốn trở thành một bác sỹ mổ tim, nhưng với nghiệp y học gia truyền nên ông không thể bỏ nghề.
Ông Quyền tâm sự: “Ngày tôi còn bé, cứ mỗi lần cha tôi đi hái lá thuốc là ông lại gọi tôi đi cùng. Vào những đêm sáng trăng, cụ lại đem những cây thuốc dân gian mang ra để băm, rồi dặn dò tôi từng vị thuốc một. Cũng từ đó mà các bài thuốc gia truyền của tổ tiên mới ngấm vào máu mình. Những bài thuốc nào tôi không hiểu, cụ lại ân cần chỉ bảo cận thận, kể cả cách sao thuốc, cách kê đơn cho người bệnh…”.
Cứ thế hơn 40 năm trôi qua, các bài thuốc của người cha truyền dạy đã được ông Quyền kế nghiệp. Niềm đam mê với nghề khiến ông trở nên điềm tĩnh hơn, kể cả trong lúc bắt mạch và kê đơn. Các bệnh nhân tìm đến đều được ông Quyền bắt mạch. Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm, nên những bài thuốc mà ông bốc đều được bệnh nhân họ đón nhận nhiệt tình. Nhiều bệnh nhân nhà nghèo, không có tiền nhưng khi đến với ông đều được bắt mạch tư vấn, thậm chí bốc thuốc không lấy tiền.
Mặc dù đã kế thừa các bài thuốc của tổ tiên nhưng ông Quyền không ngừng học hỏi, đổi mới mình, thậm chí còn nghiên cứu ra nhiều các bài thuốc là bí kíp cho riêng mình. Ngoài bốn phương pháp chẩn đoán bệnh của y học cổ truyền là “vọng, văn, vấn, thiết”, ông Quyền còn phát triển thêm bằng cách kết hợp với kiến thức y khoa hiện đại của Học viện Y học cổ truyền, các hội thảo khoa học về y học phương Đông...
Việc kết hợp giữa “bắt bệnh” cổ truyền cùng những kiến thức mà ông học được như châm cứu, bấm huyệt đã giúp vị lương y đưa ra những vị thuốc phù hợp đúng người, đúng bệnh. Nhờ vậy, nên tên tuổi của ông ngày một bay xa, có tiếng ở vùng.
Chữa bệnh bằng chữ tâm
Hàng ngày ông Quyền bắt đầu làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt. Chuyên môn bắt mạch, bốc thuốc của ông chủ yếu về các loại bệnh như cảm, bệnh phụ khoa, suy nhược cơ thể... Ông tự hào, khẳng định với chúng tôi về chuyên môn chữa bệnh viêm cầu thận, zona thần kinh, bệnh hiếm muộn và vô số các bệnh nan y khác.
Chia sẻ về phương pháp trị liệu bệnh viêm cầu thận, ông Quyền cho biết: “Viêm cầu thận trong Đông y gọi là “thủy lũng” tức thủy lũng nằm trong chứng “cổ” thuộc tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại). Do vậy việc trị liệu chứng bệnh này rất phức tạp, nan giải. Người điều trị bệnh phải có chuyên môn và phải tận tâm với nghề”.
Ông Quyền nói thêm: “Bệnh viêm cầu thận được phân loại theo bản hư và tiêu thực. Bản hư bao gồm phế tỳ thận hư, khí âm lưỡng hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư. Tiêu thực bao gồm ngoại cảm, thủy thấp, thấp nhiệt, ứ huyết... Từ cơ sở này có thể biện chứng luận trị sao cho thích hợp mà cơ bản là bổ bản hư kết hợp với tả tiêu thực. Cũng tùy thuộc vào chứng trạng bệnh nhân để đưa ra phương pháp trị liệu thích hợp. Dựa vào chứng trạng bệnh nhân, người ta có thể phân ra các thể để điều trị như: tỳ dương hư, thận tỳ dương hư, âm hư dương xung, viêm cầu thận nặng”.
Để điều trị căn bệnh này, lương y Quyền sử dụng kết hợp gồm khoảng hơn mười loại thảo dược khác nhau, chúng đều có tác dụng bổ thận, lợi tiểu như Mã đề, Thổ phục linh, Mộc thông... Việc chữa khỏi bệnh đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì điều trị, nhất thiết phải kiêng đồ uống có cồn và các loại thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt chó…
Với lương y Nguyễn Sỹ Quyền, trải qua hơn 40 năm trong nghề, ông luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu. Ông Quyền tâm sự: “Việc cứu người là điều quan trọng, làm nghề gì cũng cần có tâm, có đức thì người dân mới tin yêu và tìm đến mình. Nếu người ta nghèo không có tiền, lại mắc bệnh nan y thì nên cho người ta”. Có nhiều gia đình khi chữa khỏi bệnh họ đều tìm đến ông Quyền để cám ơn. Có lẽ vì thế nên ông Quyền càng phải có trách nhiệm với người dân hơn. Và đó chính là động lực thúc đẩy một người lương y có lương tâm, có tài như ông Quyền miệt mài hơn với nghề.
Tâm sự khi phóng viên hỏi về những ca đặc biệt trong đời bắt mạch, bốc thuốc của mình, ông cười: “Thường thì chỉ bệnh nhân nhớ đến thầy thuốc chứ mấy khi thầy thuốc lại nhớ đến bệnh nhân. Thế nên ca nào đặc biệt thì chỉ đặc biệt ở thời điểm đó mà thôi! Ca mới đây nhất mà tôi còn nhớ đó là trường hợp của chị Lương (xóm 7 - Đồng Cò, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Chị này vì gặp phải cú sốc lớn nên mới bị tâm thần. Gia cảnh thì nghèo! Cha mẹ chồng già yếu, kinh tế cũng khó khăn. Chị được chồng đưa xuống gửi gắm rồi bỏ luôn lại phòng khám. Cả tháng trời, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến kê đơn, sắc thuốc đều do vợ chồng tôi lo cả! Đến ngày chị bình phục, tôi trao trả chị cho gia đình mà không hề lấy bất cứ đồng nào”.
Không dừng lại ở việc tận tâm chữa bệnh, cứu người, lương y Nguyễn Sỹ Quyền còn tham gia vào các hoạt động xã hội, công tác từ thiện như chữa miễn phí cho những người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng như các hoạt động thiện nguyện vào các ngày lễ trong năm.