Nữ lương y 83 tuổi và bài thuốc chữa viêm xoang nổi tiếng

(PLO) -Lương y Đỗ Thị Xuyến (SN 1933, ngụ phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sau khi nghỉ hưu đã dành tâm huyết phát triển bài thuốc chữa trị viêm xoang do người cha để lại. Kết quả xét nghiệm của viện Pasteur TP.HCM kết luận thuốc không chứa độc tính, có tác dụng trị bệnh tốt. 
 
 Cụ Xuyến 83 tuổi vẫn ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh.
Cụ Xuyến 83 tuổi vẫn ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh.

Bài thuốc trị viêm xoang

Nói về bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, lương y Xuyến cho biết đây là bệnh lý thường gặp, không lây, không di truyền nhưng rất khó chữa trị. 

Triệu chứng chung của viêm xoang thường gặp như: nhức đầu, nghẹt mũi, có đờm trong cổ họng, giảm hoặc mất khả năng khứu giác. Trường hợp bệnh nặng sẽ đau nhức, ngứa ở vùng xoang mũi do viêm nhiễm bên trong.

Theo Tây y, bệnh do 3 loại vi trùng thâm nhập cơ thể gây ra, xếp theo thứ tự nặng dần lần lượt: tụ cầu (chiếm khoảng 15%), liên cầu (khoảng 80%) và liên cầu trùng (khoảng 5%).

Đông y cũng chia thành 5 loại viêm xoang kèm triệu chứng đặc trưng: nhức đầu- xoang trán; nhức đầu trên, có đờm chảy xuống họng - xoang sau; nhức vùng má - xoang má; nhức răng - xoang hàm. Tuy nhiên, nhiều người dễ nhầm lẫn xoang hàm với bệnh sâu răng cũng gây đau nhức nên cần thăm khám kĩ lưỡng.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do môi trường ô nhiễm, vi khuẩn thâm nhập vào khoang mũi gây tổn thương. Kinh nghiệm của cụ Xuyến là vi khuẩn gây bệnh chỉ tồn tại trong môi trường có nước mũi.

Do đó, những người mắc cảm cúm rất dễ bị viêm xoang. Nếu để bệnh kéo dài sẽ nặng lên làm mũi mất khả năng khứu giác. Trường hợp quá nặng có thể dẫn tới ung thư vòm họng. 

Chia sẻ về bài thuốc gia truyền điều trị viêm xoang của mình, lương y Xuyến cho biết đó là bài thuốc do người cha để lại. Phương thuốc được tổng hợp từ nhiều loại thảo dược gồm thuốc nước để nhỏ mũi và thuốc viên để uống.

Để đảm bảo an toàn, năm 1988, sau khi “tái sinh” bài thuốc, cụ Xuyến gửi mẫu vào Viện Pasteur TP.HCM kiểm nghiệm cho kết quả không độc hại, có tác dụng chữa bệnh tốt.

Chia sẻ về quy trình điều trị, cụ Xuyến cho hay trước tiên có thể dùng thuốc Tây y để làm thông mũi, co mạch, giảm phù nề, nhằm tạo điều kiện dẫn thuốc. Sau đó sử dụng bài thuốc Đông y gia truyền của cụ. 

Hạt tiêu trắng, một trong những thành phần trong bài thuốc trị viêm xoang.
Hạt tiêu trắng, một trong những thành phần trong bài thuốc trị viêm xoang.

Đối với thuốc nhỏ mũi, người bệnh nằm ngửa đầu, nhỏ thuốc từ 1-5 giọt, khi nào có cảm giác xót là được. Sau khi nhỏ thuốc xong nằm nghỉ chừng 5 phút mới dậy để thuốc thẩm thấu. “Nhỏ thuốc 3 lần mỗi ngày vào các buổi sáng, trưa, tối.

Nếu người bận bịu công việc thì sau 90 phút có thể nhỏ lại. Kiên trì điều trị từ 30- 60 ngày, mũi sẽ trở lại bình thường”, cụ Xuyến nói. 

Nữ lương y cao tuổi giải thích thêm, khi nhỏ thuốc vào mũi sẽ có cảm giác nóng, rát, chảy nước mũi, nước mắt và có thể hắt hơi nhiều hơn. Nhiều người còn nhức đầu, sưng mắt vì mủ dồn về sống mũi để tống ra ngoài.

Trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cần thêm thuốc xông 30 phút sau khi nhỏ thuốc. Cách xông như sau: Cho bạc hà vào cốc và đổ thêm nửa cốc nước sôi, đậy phễu, để vào một bên lỗ mũi, thay phiên hít đến khi hết hương bạc hà thì thôi. Đối với bệnh nhân nặng, thời gian bị bệnh lâu, cần sử dụng thêm thuốc uống nhằm tăng đề kháng, tiêu viêm.

Cụ Xuyến lưu ý sau một tuần nhỏ thuốc, người bệnh dùng nước cất hoặc nước muối sinh lý để nhỏ mũi trước mỗi lần nhỏ thuốc. Lý do, các ổ xoang lâu ngày hình thành nhiều hang hốc. Nhiều chỗ đã khô lại đóng vảy dày tạo thành lớp màng bảo vệ vi khuẩn. Do đó, việc nhỏ nước mục đích làm mềm các lớp vảy để thuốc dễ tiêu diệt vi khuẩn hơn.

“Công dụng của bài thuốc vừa diệt vi khuẩn đồng thời kích thích gây hắt hơi để tống chất mủ ra ngoài. Người bệnh kiên trì lặp lại quy trình trên sẽ thuyên giảm bệnh”, cụ Xuyến nói. 

Lương y cũng khuyên bệnh nhân phải kiên trì điều trị liên tục đến khi khỏi hẳn, tránh bệnh tái phát sẽ khó chữa. Trong quá trình trị liệu cần tránh uống rượu, thuốc kháng sinh, kiêng cua, tôm, da gà, ớt, chuối tiêu. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc vì có thể gây động thai.

Cụ Xuyến chia sẻ thêm, trong dân gian lưu truyền nhiều cách chữa trị viêm xoang hiệu quả. Nhưng vì là thuốc lưu truyền nên người dân chỉ nên sử dụng khi xác định nguồn gốc rõ ràng, được kiểm chứng. Chẳng hạn như phương pháp dùng hoa ngũ sắc (dân gian gọi hoa cứt lợn) giã lấy nước nhỏ vào mũi hàng ngày.

Theo cụ Xuyến, nước hoa ngũ sắc có tác dụng diệt khuẩn. Bằng chứng là trước đây người dân vẫn dùng cây ngũ sắc đun lấy nước gội đầu rất sạch gàu hoặc đắp sát trùng vết thương. Tuy nhiên, theo cụ Xuyến, nước hoa ngũ sắc chỉ trị được chứng viêm xoang nhẹ tụ cầu.

Kinh nghiệm sống khỏe 

Đã ở tuổi 83 nhưng cụ Xuyến rất minh mẫn, hàng ngày vẫn trực tiếp bào chế thuốc, xem bệnh đều đặn. Cụ chia sẻ theo nghiệp y dược cốt để giữ gìn những bài thuốc hay cha ông để lại vừa tìm thú vui tuổi già.

Cụ Xuyến là con gái cụ Cử Bổng (lương y nổi tiếng Hà thành). Sau nhiều năm công tác trong ngành xây dựng, năm 1988 cụ, Xuyến về hưu. Cùng thời gian này, nhà nước tổ chức vận động lưu giữ những bài thuốc gia truyền trong nhân dân.  Cụ Xuyến hưởng ứng, miệt mài theo học 3 lớp đông y với mục đích sẽ phát huy bài thuốc giúp người.

Cụ nói so với công thức nguyên bản đã có thay đổi liều lượng một số vị thuốc cho phù hợp với thể trạng từng người, điều kiện thời tiết. Ví dụ: bốc thuốc vào mùa hè thì giảm bớt những vị có tính nóng, tăng vị mát, mùa đông thì ngược lại.

Chia sẻ kinh nghiệm sống khỏe, cụ Xuyến nói: “Tôi chẳng có bí quyết gì, chỉ tuân thủ nguyên tắc bất kỳ cái gì cũng đừng làm quá”. Cụ dẫn chứng kinh nghiệm dân gian khuyên mọi người: “Đừng vui quá, cũng đừng buồn phiền quá hay giận dữ quá, sợ hãi quá mà hại đến tâm can”.

Giấy xét nghiệm an toàn đối với bài thuốc trị viêm xoang của cụ Xuyến.
 Giấy xét nghiệm an toàn đối với bài thuốc trị viêm xoang của cụ Xuyến.

Nữ thầy thuốc chia sẻ hàng ngày chú trọng bữa ăn sáng, đúng 11h ăn trưa, 19h ăn tối. Giữa các bữa ăn, cụ Xuyến luôn ăn bữa phụ như cháo, trái cây, bánh hoặc uống sữa. Cụ lưu ý bữa tối trước khi đi ngủ không nên ăn quá no khiến dạ dày làm việc quá tải.

“Đúng ra ăn được mười phần thì chỉ ăn đến tám phần thôi”. Ngoài ra cụ luôn vận động chân tay, lúc không có khách bốc thuốc thì cụ đan len hoặc làm những công việc nhẹ.

Liên quan đến sức khỏe người cao tuổi, nữ lương y Hà thành tặng mọi người bài thuốc bổ dưỡng toàn thân theo công thức sau: Hái lá vong, lá dâu và cỏ mần trầu (số lượng lá vong, lá dâu bằng 1/10 cỏ mần trầu).

Tất cả hái vào lúc sáng sớm mặt trời chưa mọc, để thu chất nhựa có trong lá, nếu nắng lên chất nhựa rút hết xuống gốc. Đồng thời đem thóc nếp hoặc lúa ngâm ra mầm khoảng 2cm thì phơi khô.

Sau đó đun lá vong, lá dâu lọc, cỏ mần trầu lọc lấy nước, tiếp theo cho lúa mầm phơi khô vào đun tiếp khoảng 15 phút lấy nước uống sẽ giúp “ăn ngon, ngủ kĩ”./.

Đọc thêm