Lưu ý đặc biệt khi đến làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Sở Y tế Hà Nội mới đưa ra những thông tin quan trọng để người dân có nhu cầu lưu ý khi đến làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ, nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn tính mạng.

Cụ thể, theo Sở Y tế Hà Nội, người có nhu cầu làm đẹp cần chú ý lựa chọn cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có địa điểm cố định; Có đủ trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở;

Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp;

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Đặc biệt, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Khi người dân có nhu cầu sử dụng những dịch vụ này cần phải lựa chọn các cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh", Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nôi, tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu.

Khi đến tìm hiểu các cơ sở thẩm mỹ, người dân lưu ý, biển hiệu các cơ sở phải có đủ các thông tin cơ bản sau đây: Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Số điện thoại; Thời gian làm việc hằng ngày.

Khu vực tiếp đón của mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải niêm yết bảng giá dịch vụ kỹ thuật, niêm yết giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và niêm yết danh sách người hành nghề.

UBND Thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, trong đó yêu cầu đơn vị chức năng công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định pháp luật về hành nghề y dược ngoài công lập để người dân theo dõi, giám sát; nâng cao hiểu biết và ý thức lựa chọn dịch vụ y tế của người dân.

Sở Y tế thường xuyên cập nhật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép và các cơ sở đã bị xử lý vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế https://soyte.hanoi.gov.vn.

"Trước khi quyết định sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở thì người dân cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin để đảm bảo không sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở không phép. Nếu phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép cần thông báo ngay tới cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định", Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.

Đọc thêm