Lý do “khó đỡ” khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể biến gió thành tiền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ dự án điện gió trước ngày kết thúc FIT (31/10) khoảng một tuần, nhưng khi chạy thử nghiệm, tốc độ gió quá thấp, không thể hoàn thành thử nghiệm, đành “lỡ” FIT trong sự "ấm ức".
Trước khi được công nhận COD, các trụ điện gió phải có đủ gió để chạy thử nghiệm
Trước khi được công nhận COD, các trụ điện gió phải có đủ gió để chạy thử nghiệm

Sau khi kết thúc thời hạn hưởng giá FIT (cơ chế khuyến khích nguồn năng lượng tái tạo) vào ngày 31/10/2021, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã công bố danh sách 84 dự án được công nhận vận hành thương mại (COD) để hưởng FIT.

Trong số 84 dự án này có 15 dự án chỉ hoàn thành một phần dự án. Tổng công suất của số dự án chưa hoàn thành để công nhận COD là khoảng hơn 500 MW. Đáng chú ý, trong danh sách các dự án “lỡ” FIT, có 4 dự án đã hoàn thành toàn bộ dự án, đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành việc thử nghiệm để được COD.

Những dự án “lỡ” FIT theo cách rất đáng tiếc nói trên là Nhà máy điện (NMĐ) gió Cầu Đất (Lâm Đồng), Nhơn Hội giai đoạn 2 (Bình Định), Tân Tấn Nhật DakGlei (Kon Tum) và Nam Bình 1 (Đăk Nông). Tổng công suất “lỡ” FIT khoảng 180 MW.

Theo Quyết định 1010/QĐ-EVN của EVN, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải có trách nhiệm gửi Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD. Cùng với đó, NMĐ gió phải đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu.

Được biết, cả 4 dự án trên đều đã hoàn thành các bước theo đúng quy trình nhưng lại “trượt”… COD vì những lý do không thể khắc phục được.

Trao đổi với PLVN, đại diện một dự án “lỡ” FIT cho hay, dự án của doanh nghiệp này đã hoàn thành toàn bộ trước ngày kết thúc FIT (31/10/2021) khoảng 1 tuần, nhưng trong thời gian thử nghiệm, tốc độ gió của khu vực này đạt thấp nên không thể hoàn thành thử nghiệm, do đó chấp nhận “lỡ” FIT trong sự "ấm ức" vì… “ông trời không chiều lòng người”.

Nhiều doanh nghiệp đã chạy "nước rút" khi thi công các dự án điện gió để kịp hưởng FIT trước 1/11/2021

Nhiều doanh nghiệp đã chạy "nước rút" khi thi công các dự án điện gió để kịp hưởng FIT trước 1/11/2021

Ông Lê Văn Danh, Giám đốc Công ty CP điện gió Nam Bình - cho hay, Nam Bình đã hoàn thành toàn bộ dự án. Cả công ty đã cùng cố gắng chạy nước rút, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh..., nhưng đơn vị đã thực hiện dự án trong thời gian kỷ lục (3 tháng xong toàn bộ dự án 30 MW). Tuy nhiên, đến những ngày thử nghiệm thì tốc độ gió thấp liên tục 3 - 4 ngày, nên không thể hoàn thiện được đúng thời hạn FIT.

Hầu hết các doanh nghiệp “lỡ” FIT đều đã chấp nhận không thể làm được gì với FIT nữa. Bởi trước đó, tất cả các văn bản chia sẻ của chính quyền địa phương - nơi thực hiện các dự án điện gió đều đã được gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị gia hạn thêm thời gian thực hiện FIT. Nhưng đại diện Bộ Công Thương “đăng đàn” khẳng định “không gia hạn thời gian thực hiện giá FIT”.

FIT kết thúc trong sự hân hoan vui mừng của những nhà đầu tư có những cú nước rút “thần sầu”, nhưng cũng là sự “ấm ức” của những doanh nghiệp không kịp cán đích để hưởng lợi thế giá.

Mọi sự tưởng như đã xong khi không một tỉnh nào nói về FIT nữa, thì trong cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã nêu ra các khó khăn và đề nghị xem xét “gia hạn FIT” để chia sẻ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đề nghị này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, “đề nghị Chính phủ gia hạn FIT đến 31/3/2022”. Đây có lẽ là tin vui của các dự án đã về gần sát đích, và cả những dự án đã hoàn thành một phần mặt bằng thi công.

“Thông tin Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất với Chính phủ gia hạn giá FIT thực sự như một “liều thuốc” động viên mạnh mẽ tinh thần của đội ngũ đã lăn xả ngày, đêm trên công trường. Đây vừa là động thái chia sẻ của lãnh đạo Quốc hội với doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, vừa là động lực lớn để Nam Bình quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình, bởi chúng tôi muốn đi những bước dài với điện gió, muốn cùng hiện thực hóa những cam kết của Thủ tướng tại COP26”, ông Lê Văn Danh nói.

Đọc thêm