Lý do một số dự án đường cao tốc mới chỉ có 2 làn xe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều dự án đường giao thông cao tốc hiện đang được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công, nhưng mới chỉ có 2 làn xe, tương tự đường quốc lộ, dẫn đến hạn chế tốc độ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Cao tốc La Sơn - Túy Lan mỗi bên chỉ có 1 làn xe và 1 làn khẩn cấp.
Cao tốc La Sơn - Túy Lan mỗi bên chỉ có 1 làn xe và 1 làn khẩn cấp.

Nhiều cao tốc giống đường liên tỉnh

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay trên cả nước có nhiều đường cao tốc chỉ có 1 - 2 làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Điển hình, cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai chỉ có hai làn xe chạy với mỗi bên có một lần dừng khẩn cấp, không có dải phân cách cứng ở giữa. Tốc độ xe chạy chỉ từ 50 - 80km /h.

Một số tuyến cao tốc mới đi vào hoạt động như Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn (đều thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1), Trung Lương - Mỹ Thuận mỗi chiều chạy chỉ có hai làn đường và không có làn dừng khẩn cấp trên toàn tuyến, chỉ xây dựng một số điểm dừng khẩn cấp, điểm để xe vượt. Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng mỗi chiều chỉ có một làn xe và một làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách cứng ở giữa.

Nhiều dự án thành phần khác của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang xây dựng như Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây... cũng cơ bản được thiết kế như các dự án trên, tức chỉ có hai làn mỗi bên và không có làn khẩn cấp chạy dọc tuyến.

Thực tế tại những dự án cao tốc đã đưa vào sử dụng ở trên, do được thiết kế hạn chế về làn đã không phát huy được tốc độ giống đường cao tốc. Nhiều đoạn dù được thiết kế 80km/h nhưng thực tế chỉ có thể đi được khoảng 50km/h, thậm chí chậm hơn do lưu lượng xe lớn. Nhiều tài xế phản ánh, họ bức xúc khi xe đi trước chạy rất chậm mà không thể vượt; nếu vượt sẽ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đặc biệt, trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dù đưa vào sử dụng chưa bao lâu nhưng tình trạng tắc đường liên tục xảy ra. Nhiều vụ tai nạn, có những vụ thảm khốc đã xảy ra. “Khi xe gặp sự cố trên đường, do không có làn khẩn cấp nên xe phải dừng ở làn lưu thông chính. Điều này sẽ gây tắc đường, thậm chí tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào vì xe phải dừng trên đường cao tốc”, một tài xế chia sẻ.

Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

Lý giải một số tuyến cao tốc được thiết kế 2 hoặc 4 làn hạn chế, không khác với quốc lộ, tỉnh lộ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010 - 2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng. Do ngân sách hạn chế, một số dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư, đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch.

Cũng theo đại diện Bộ GTVT, nhiều quốc gia cũng đang áp dụng cách phân kỳ đầu tư như: Canada, Australia, New Zealand, Anh, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tức là giai đoạn đầu do điều kiện nguồn lực xã hội còn hạn chế, hoặc do điều kiện địa hình, họ thiết kế và thi công cao tốc hai làn xe, mỗi hướng chỉ có một làn xe chạy.

Về làn dừng khẩn cấp, Bộ GTVT cho rằng đã chỉ đạo điều chỉnh. Những tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư bố trí thêm điểm dừng, mỗi điểm cách nhau 5km thay vì cách 10km như trước, chiều dài điểm dừng khẩn cấp từ 30m lên 170m.

Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước có 11 dự án cao tốc triển khai giai đoạn một quy mô hai làn xe, 11 dự án cao tốc đó bao gồm: 2 tuyến đang thi công là Tuyên Quang - Phú Thọ (kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai), đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 6 dự án được phê duyệt đầu tư là Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang), Tuyên Quang - Hà Giang (qua tỉnh Hà Giang), Chợ Mới - Bắc Kạn, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Bình - Mộc Châu, Hòa Bình - Mộc Châu, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. 3 dự án đang được đề xuất chủ trương đầu tư là các cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu mở rộng từ 2 lên 4 làn xe đối với các dự án đã đưa vào sử dụng và đang thực hiện sẽ cần bố trí thêm khoảng 59.760 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 56.490 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng hơn 3.270 tỷ đồng.

Thủ tướng chỉ đạo không làm cao tốc 2 làn xe

Ngày 15/2, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau chuyến kiểm tra các dự án giao thông đầu năm. Thủ tướng yêu cầu không đầu tư cao tốc 2 làn xe bởi gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. Quy hoạch cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn ôtô, có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h.

Đọc thêm