Lý do phải xem xét lại hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Giáo sư, tiến sỹ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y trao đổi thông tin xung quanh việc hồ sơ xét chức danh giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải nằm trong diện xem xét lại.
Lý do phải xem xét lại hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

- Thưa giáo sư, trong số 129 hồ sơ thuộc diện phải xem xét lại sau rà soát, có 19 hồ sơ thuộc ngành y tế. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

Giáo sư Phạm Gia Khánh: Năm 2017, Hội đồng giáo sư ngành Y học được 219 hồ sơ của các ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong số này, có 192 hồ sơ đủ tiêu chuẩn, gồm 173 hồ sơ xét phó giáo sư và 19 hồ sơ xét danh hiệu giáo sư.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y đã rà soát đợt một, tập trung vào ba đối tượng. Thứ nhất là ứng viên có đơn thư khiếu nại. Thứ hai là các hồ sơ mà trong quá trình làm việc tổ thanh tra thấy chưa chặt chẽ. Thứ ba là các ứng viên thuộc diện cán bộ quản lý.

Trong ba đối tượng đó chúng tôi lọc ra 19 hồ sơ. 19 hồ sơ này trong quá trình rà soát chúng tôi vẫn thấy đều đảm bảo tiêu chí cả nên vẫn đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước bảo lưu kết quả.

Ngày 27/2 vừa qua Hội đồng giáo sư nhà nước họp, chúng tôi đề xuất phương án là những hồ sơ không có vấn đề gì thì công bố trước, còn để lại những hồ sơ rà soát lại sau là những hồ sơ trên và công bố sau.

Vì vừa rồi làm thời gian ngắn quá, lại đúng dịp Tết nên sợ rà soát chưa đảm bảo. Nhưng có thực hiện như trên hay không thì hôm nay còn xin ý kiến Thủ tướng. Nếu Thủ tướng đồng ý thì sẽ triển khai.

- Giáo sư từng khẳng hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đủ, thậm chí thừa tiêu chuẩn để đạt chức danh giáo sư, điểm số rất cao. Vậy, vì sao hồ sơ này lại nằm trong diện phải xem xét lại?

Giáo sư Phạm Gia Khánh: Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến rất đầy đủ những tiêu chuẩn của chức danh giáo sư hiện hành và ở mức độ cao.

Ở tiêu chí đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sỹ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà tham gia giảng dạy tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.

Về nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở. Bà có trên 90 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38 điểm). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.

Tuy nhiên, hồ sơ của Bộ trưởng vẫn ở nhóm phải rà soát lại vì có đơn khiếu kiện. Hiện chúng tôi đang kết hợp các bên liên quan để xem xét giải quyết các đơn khiếu kiện này.

- Có ý kiến cho rằng cán bộ quản lý không cần chức danh giáo sư, phó giáo sư và nên tập trung cho công tác quản lý. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Phạm Gia Khánh: Những người làm quản lý thì không cần chức danh giáo sư, nhưng nếu họ làm được thì đáng trân trọng và hoan nghênh. Nhiều người cho rằng bộ trưởng là quản lý cấp cao, trăm công nghìn việc thì thời gian đâu mà giảng dạy, nghiên cứu. 

Nhưng những người nói như vậy là những người chưa làm công tác quản lý hoặc đã làm quản lý nhưng là người quản lý ôm đồm, làm chưa tốt công tác quản lý điều hành. Bộ trưởng trăm công nghìn việc thật nhưng dưới bộ trưởng có hàng nghìn cánh tay, còn có các thứ trưởng, dưới thứ trưởng có các cục, vụ, các chuyên viên. Bộ trưởng không tham gia trực tiếp vào các việc mà biết điều hành, sử dụng các cán bộ giúp việc của mình. 

Trước đó, phó giáo sư Trần Thị Trung Chiến, khi làm Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn đi giảng dạy rất say sưa.

Ví dụ như giáo sư Nguyễn Viết Tiến, khi làm Thứ trưởng Bộ Y tế vẫn làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ nhiệm bộ môn Sản của Đại học Y Hà Nội. Ngày họp Chính phủ, chiều về khám bệnh, tối mổ đến 9 giờ đêm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn viết đến trên 90 bài báo; 14 bài đăng trên các tạp chí ISI, là những tạp chí rất khó đăng; hướng dẫn nghiên cứu sinh, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước… Hãy nhìn hồ sơ của Bộ trưởng để biết có đạt tiêu chuẩn hay không. Làm được điều đó là đáng trân trọng và khâm phục.

- Xin cảm ơn giáo sư!.

Đọc thêm