Trong nghiên cứu "Tác động tâm lý và sinh lý của màu hồng lên hành vi con người", nhà tâm lý học Spath cho biết, màu hồng thường được sử dụng trong các trường học hoặc các trung tâm dành cho những người mắc bệnh về tâm thần, các phòng hồi sức trong bệnh viện, xe cứu thương, các khu tạm trú sau các thảm họa tự nhiên và cả trong các phòng giam tại một số nhà tù.
Tại một nhà tù ở Thụy Sỹ, người ta sơn 4 bức tường trong phòng giam phạm nhân màu hồng và đưa các tù nhân bạo lực sống trong các phòng giam đặc biệt này. Theo các quản giáo, sau 4 năm sống tại đây, hành vi bạo lực của các phạm nhân đã giảm đáng kể.
Trên thực tế, Thụy Sỹ đã áp dụng việc này tại nhiều nhà tù từ năm 2005.
Sau đó, Đức cũng sơn hồng cho nhiều nhà tù ở Dortmund, Hagen, Kleve và Attendorn. Mỹ, Ba Lan, Áo và Anh cũng áp dụng cách làm tương tự.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với cách làm này.
Ông Peter Zimmermann, một cựu tù nhân và giờ là người đứng đầu nhóm trợ giúp các tù nhân ở Đức cho rằng, sơn màu hồng vào các phòng giam khiến các phạm nhân cảm thấy mệt mỏi và phản tác dụng.
"Trong 2 ngày, bạn sẽ cảm thấy phát điên. Sẽ chẳng có tác dụng làm dịu nào cả. Tôi cho rằng nó là một màu sắc phản cảm. Nó thậm chí còn là hình phạt bổ sung đối với nhiều tù nhân", Zimmermann nói.
Bản thân bà Späth không phủ nhận điều này bởi màu hồng đôi khi sẽ khiến nhiều người liên tưởng tới màu sắc nữ tính và các tù nhân có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi bị giam trong những căn phòng như vậy.
Dần dần, "cơn sốt màu hồng" cũng mờ dần. Nhiều nhà tù ở Đức sau khi "hồng hóa" không hiệu quả đã phải sơn lại phòng gian thành màu sáng hoặc xanh lục.