Lý Tiểu Long, huyền thoại và uẩn khúc

(PLO) - Chỉ sống 33 năm nhưng cuộc đời Lý Tiểu Long là một huyền thoại, biểu tượng võ thuật lẫy lừng của điện ảnh Hoa ngữ và thế giới với những cống hiến to lớn.
Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Võ thuật kết hợp khiêu vũ
Lý Tiểu Long (Bruce Lee, 1940 - 1973) sinh ra ở Mỹ nhưng ấu thơ ở Hong Kong, cha mẹ là diễn viên trong đoàn kịch lưu diễn ở Mỹ. Thời bé, Tiểu Long gầy yếu nên được bố dạy Thái Cực Quyền từ khi lên bảy để rèn luyện sức khỏe. Năm 13 tuổi, anh theo học Vịnh Xuân quyền, tiếp đến Hồng quyền, Thiếu Lâm quyền, Tiết quyền, Bạch Hạc quyền… Ngoài miệt mài luyện võ Trung Hoa, Tiểu Long còn nghiên cứu võ thuật phương Tây.
Tiểu Long còn có nhiều “tài lẻ” khác như giành quán quân cuộc thi khiêu vũ toàn lục địa năm 18 tuổi. Cũng trong năm này, anh tham gia giải quyền Anh và đánh bại người từng vô địch 3 năm liền.
19 tuổi, Tiểu Long được gia đình đưa về Mỹ học đại học. Ngoài chuyên ngành, Tiểu Long dồn tâm huyết nghiên cứu võ thuật. Để quảng bá võ thuật Trung Hoa, năm thứ hai đại học, anh thuê một góc trong bãi đỗ xe của trường, vừa khổ luyện võ thuật, vừa giảng dạy cho học trò. 
Trong nhà luyện tập mang tên mình, Tiểu Long quen Linda Emery, cô gái trẻ đến học võ sau này là vợ anh. Sau đám cưới năm 1964, vợ chồng anh tập trung kinh doanh võ quán.
Vài tháng sau khi cưới, Tiểu Long nhận được lời thách đấu của một thầy dạy Kungfu tại khu phố Tàu ở Mỹ, thỏa thuận ai thua sẽ phải đóng cửa võ quán. Anh đánh bại đối thủ chỉ trong giây lát, khi đối thủ bỏ chạy, anh tóm lại đánh gục ngay trên võ đài. 
Sau đó Tiểu Long trăn trở tại sao trận đấu lại diễn ra lâu như vậy và bắt đầu suy nghĩ về sự ra đời của môn võ Triệt Quyền đạo, "nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương”.
Đây là một môn võ bao gồm đòn thế của nhiều môn phái như quyền anh phương Tây, quyền Thái, Karate Nhật Bản, Taekwondo Hàn Quốc, võ Trung Hoa, đặc biệt nhấn mạnh các kỹ thuật của Vịnh Xuân quyền, được Tiểu Long gọi chung là Kungfu. 
Triệt Quyền đạo còn là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật khiêu vũ của châu Mỹ và tinh hoa võ học của châu Á. Lý Tiểu Long là người đã sáng tạo ra một hình thái cơ thể hoàn toàn mới, một kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và võ thuật.
“Ông vua” phim võ thuật
Lý Tiểu Long đến với điện ảnh từ rất sớm. Có tài liệu nói rằng, anh xuất hiện trong một bộ phim khi mới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, vai diễn đầu tiên chính thức có nghệ danh là năm 8 tuổi, Tiểu Long đóng vai nhỏ trong Phú quý phù vân, nghệ danh Lý Hâm. 
Hai năm sau, phim đầu tiên anh đóng chính - Tế lộ tường - ra mắt với vai trẻ mồ côi và nhận được đánh giá tốt. Tài năng của anh bắt đầu lộ diện từ những vai diễn nhí. 
Hè 1971, Lý Tiểu Long nhận lời mời của một công ty điện ảnh Hong Kong, ký hợp đồng đóng hai phim Đường Sơn đại huynh và Tinh võ môn với cát-xê 15 nghìn USD. 
Hai tác phẩm thu về thành công rực rỡ ở phòng vé, gây nên cơn sốt mạnh mẽ. Sau đó, anh tiếp tục đóng chính trong Mãnh long quá giang, Trò chơi tử thần (Tử vong du hý)… và hợp tác với Hollywood, thực hiện Long tranh hổ đấu.
Sự xuất hiện của Lý Tiểu Long được đánh giá làm thay đổi diện mạo phim võ thuật Hoa ngữ, mở đường cho sự tiến quân của người Hoa vào Hollywood. Tuy nhiên khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp với hàng loạt kế hoạch điện ảnh quy mô lớn, ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long qua đời ở Hong Kong, khi chưa đầy 33 tuổi, an táng ở Mỹ.
Sinh thời, diễn viên tài năng từng viết: “Mục tiêu rõ ràng của tôi là trở thành ngôi sao Đông phương lừng danh có cát-xê cao nhất ở Mỹ. Bắt đầu từ năm 1970, tôi sẽ được cả thế giới công nhận. Đến năm 1980, tôi sẽ có số tài sản 15 triệu USD. Lúc đó tôi và người nhà sẽ sống sung túc, hạnh phúc”.
Lý Tiểu Long có ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều nghệ sĩ gốc Hoa. Đạo diễn, diên viên “quái kiệt” Châu Tinh Trì từng nói về huyền thoại võ thuật: “Lý Tiểu Long là thần tượng của tôi. Phim đầu tiên tôi xem ở rạp là phim của anh ấy. Tác phẩm đó khiến tôi cảm thấy có ngọn lửa hừng hực trong lồng ngực. Sau đó tôi xem thêm một số phim của anh ấy và quyết tâm trở thành võ thuật gia hoặc diễn viên. 
Trong lịch sử điện ảnh Hong Kong, Lý Tiểu Long là nhân vật đặc biệt. Anh ấy có năng khiếu võ thuật, được hưởng thiên thời, địa lợi, nhân hòa... Anh ấy là người đầu tiên nhìn ra xu hướng phát triển của võ thuật trong tương lai, là người đi đầu thực thụ”.
Năm 1970, khi 30 tuổi, Tiểu Long bị thương nặng ở lưng trong tập luyện. Trong suốt thời gian phục hồi sức khỏe, anh bắt đầu viết về phương pháp luyện tập của mình chứng nghiệm từ chính bản thân cho môn Triệt Quyền đạo. Sau khi anh mất, vợ anh đã cho xuất bản cuốn “Con đường Triệt Quyền đạo” với những kí ức về người chồng quá cố. 
Ngay cả những ngôi sao võ thuật lớn sau này như Lý Liên Kiệt, Thành Long cũng chưa bao giờ vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm. Bản thân Thành Long từng thừa nhận, ảnh hưởng của Tiểu Long lớn đến độ ông không dám đi theo con đường bậc “tổ” phim võ thuật đã đi qua mà chọn phim võ thuật hài: 
“Tiểu Long tung những cú đá sấm sét rất cao, nên tôi chỉ còn một lựa chọn là đá thấp. Mỗi lần phóng ra một quả đấm, Tiểu Long lại thét lớn “Aahh”, còn tôi tiếp sau những cú thụi là một gương mặt nhăn nhở cười". 
Cái chết đầy uẩn khúc
Ngày 20/7/1973, tin Lý Tiểu Long qua đời lan ra khiến toàn Hong Kong sửng sốt. Báo chí Hong Kong viết: “Ngôi sao võ thuật nổi danh Lý Tiểu Long bất ngờ ngất xỉu tại nhà riêng lúc 11h30 đêm qua. Vợ Lý Tiểu Long đưa chồng đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Phía bệnh viện chưa thể xác định nguyên nhân cái chết…”.
Tiểu Long và vợ.
 Tiểu Long và vợ.
Có rất nhiều lời đồn xung quanh cái chết của Lý Tiểu Long. Người nói anh đột tử trên giường nhà một nữ diễn viên được cho là người tình của anh, sau khi uống thuốc kích dục; người bảo anh bị xã hội đen Hong Kong mưu sát; lại có bài báo viết Lý Tiểu Long bị một cao thủ điểm huyệt… Theo tin từ bệnh viện, Tiểu Long chết bởi chứng phù não cấp do dị ứng với thuốc giảm đau. 
Giữa cơn bão tranh cãi, một tờ báo Hong Kong đăng bài khẳng định, nam diễn viên không hấp hối ở nhà mình mà tại phòng của nữ diễn viên Đinh Bội. Sự việc, theo tờ báo, diễn ra như sau: 
Khoảng 13h ngày 20/7, vợ Lý Tiểu Long ra ngoài, Tiểu Long hẹn một người bạn, nhà làm phim thân thiết đến nhà để thảo luận về bộ phim mới. Khoảng 16h, hai người đến nhà một nữ diễn viên có vai trong phim này, đồng thời là người tình của Lý Tiểu Long. Cả ba nói chuyện trong khoảng hai giờ đồng hồ. 
Khoảng 19h, Tiểu Long nói anh không khỏe, hơi đau đầu. Nữ diễn viên cho anh uống một viên thuốc giảm đau cô hay dùng. Sau đó, Tiểu Long vào phòng ngủ. Khoảng 20h, người bạn làm phim ra ngoài có việc khác. Cô gái vào phòng thấy Tiểu Long vẫn ngủ sâu. 
Gần 22h, người bạn trở lại đánh thức Tiểu Long nhưng không thấy tài tử có phản ứng. Hơn 22h, bác sĩ đến và nhận thấy nam diễn viên đã hôn mê. 
Người bạn trên là người tiết lộ sớm nhất tin Lý Tiểu Long qua đời nhưng ông nói anh chết tại nhà riêng, vợ ở bên cạnh. 
Anh trai diễn viên cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên sau đó cả hai bị phát hiện nói dối bởi căn cứ vào ghi chép điều xe cấp cứu thì xe chở Lý Tiểu Long từ nhà nữ diễn viên trên tới bệnh viện. Dù có thiện ý giữ hình ảnh cho Tiểu Long nhưng người bạn vẫn bị chỉ trích dữ dội cùng với nữ diễn viên.
Tang lễ Tiểu Long tổ chức tại Hồng Kông với hơn 25.000 người hâm mộ, bạn bè tới dự.  Anh được chôn cất với bộ quần áo ưa thích từng mặc trong Long tranh Hổ đấu.
Nguyên nhân cái chết vẫn còn gây tranh cãi nhiều năm sau đó. Sau nhiều cuộc thảo luận, các bác sĩ công khai nguyên nhân tử vong của Tiểu Long là "chết do tai nạn bất ngờ do bản thân tự gây ra". 
Theo cuốn sách “Cái chết của Lý Tiểu Long: một điều tra y khoa”, cơ thể Lý Tiểu Long vốn không chịu được một thuốc giảm đau và anh tránh dùng thuốc đó cho tới buổi tối định mệnh trên.
Khi anh chết, con trai mới 7 tuổi, con gái 3 tuổi. Người con trai sau này cũng qua đời bất thường bởi một viên đạn lạc ở trường quay khi mới 28 tuổi. Cái chết cũng gây nhiều ồn ào bởi đáng lẽ, khẩu súng này không có đạn. Con gái anh hoạt động nghệ thuật tích cực, hiện sống cùng gia đình tại Mĩ./.