Mặc người khác đơn độc chống "tử thần" là "bệnh truyền nhiễm"?

"Sự hiếu kì, vô cảm không chỉ có ở giới bình dân mà ngay trong giới trí thức cũng thờ ơ bởi bản tính trung dung, không thích va chạm. Khi một điểm xấu xuất hiện, thay vì mọi người phải vào cuộc thì lại làm ngơ. Bọn xấu biết lợi dụng cái này để hoành hành...", Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý phân tích.

Cuối tuần qua, sự kiện bé gái 2 tuổi Yue Yue (Trung Quốc ) tức tưởi lìa bỏ sự sống vì sự nhẫn tâm, vô cảm của người đời đã khiến nhiều người Việt chúng ta không khỏi giật mình về “căn bệnh” vô cảm đang tràn lan trong cuộc sống...

 

"Chủ nghĩa "makeno" hoành hành

Chỉ cần nhấp chuột, tìm trên các trang mạng sẽ ra một loạt các clip về các tai nạn thảm khốc mà trong đó sự thờ ơ tới tàn nhẫn của những kẻ hiếu kì khiến dư luận bàng hoàng. Còn nhớ năm 2009, clip về một cảnh sát giao thông bị đứt ngang người nằm trên đường phố, rất nhiều người đứng xem, bình luận và ghi lại hình ảnh nhưng chỉ bình thản nhìn và nhìn vậy thôi. Và sự tàn nhẫn lên đỉnh điểm khi những hình ảnh đó tung lên mạng để thân nhân của người xấu số thực sự "chết điếng" thêm một lần nữa khi phải chứng kiến con mình bị đối xử lạnh lùng.

Ngày 13/8/2011, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Võ Thị Sáu (P7, Q3, TP. HCM), nạn nhân, một thanh niên đi xe máy nằm bất động trên đường, do bị va chạm với một xe máy khác. Người lái chiếc xe này lập tức đã bỏ trốn. Một chiếc xe buýt chở đầy khách kịp dừng lại trước người bị tai nạn. Nhưng thật lạ lùng, người bị nạn vẫn bị bỏ nằm đó, bất động. Tài xế, nhân viên nhà xe thì đứng... chờ, còn hành khách ngồi bình thản trong xe. Trên lề đường, người hiếu kỳ tụ tập đứng nhìn..., không ai có hành động tích cực khi sự sống và cái chết với người bị nạn chỉ còn trong gang tấc.

Và mới đây, liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn làm 2 người chết, 13 người bị thương trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM), người thân của một nạn nhân cho biết, chị của mình - nạn nhân của vụ tai nạn - đã chết. Đau lòng hơn, gia đình chỉ biết tin sau 3 ngày vì trước đó, lúc tai nạn xảy ra đã có kẻ trộm mất túi xách của người bị nạn, trong đó có giấy tờ tùy thân khiến chẳng ai biết danh tính, địa chỉ của người phụ nữ này để bệnh viện liên lạc...

Còn trong một clip trên mạng, trên xe buýt, một thanh niên bị móc ví, anh này van xin tên trộm trả lại giấy tờ nhưng mặc nhiên không một ai lên tiếng phản đối hoặc khống chế tên trộm.

Bi kịch trong tâm hồn

Mặc dù, chiếu theo những chuẩn mực khác nhau về người Việt Nam từ xưa tới nay không có tư liệu nào nói người Việt có tính xấu “vô cảm”. Nhưng đã có rất nhiều giá trị bị thay đổi, những giá trị vật chất được tôn sùng, tung hô hàng ngày, xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi tầng lớp xã hội, kể cả tầng lớp trí thức, có học.

Chẳng những không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, thay vào đó là làm ngơ chạy cho mau hoặc thản nhiên đứng nhìn đầy hiếu kì, không cứu giúp, sợ rước phiền vào thân. Thậm chí, vô cảm đến nhẫn tâm, họ sẵn sàng lao vào cướp tài sản của những người gặp nạn. Rồi nữa là sự vô cảm khi những người bệnh nghèo tới bệnh viện; những người cần sự chung tay góp sức trong cơn hoạn nạn nhận được những thùng mì đã quá hạn, những tải gạo đã mốc meo, những thùng quần áo rách... Họ mỗi ngày có thể tiêu xài hoang phí để thể hiện đẳng cấp trong khi rất nhiều người đang gặp cảnh khốn khó màn trời chiếu đất. Ai cũng tự an ủi rằng đó đâu phải việc của mình, đó là việc của chung và ai cũng vô can...

Dường như giờ đây, ai trong chúng ta, cũng có những phút “vô cảm”, đó cũng chính là sự “vô tâm” tới những thay đổi xung quanh của cuộc sống, chính là những bi kịch trong tâm hồn mỗi con người hiện đại.

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý:

“Chúng ta đang bị khủng hoảng lòng nhân ái!”

Trao đổi với PLVN, TS tâm lý Nguyễn  Kim Quý - Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam) đã phân tích vấn nạn vô cảm trong cuộc sống hiện đại dưới nhiều khía cạnh.

Có thể nói, sự vô cảm trong đời sống đã và đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Dưới góc độ tâm lý, bà suy nghĩ thế nào về hiện tượng đáng buồn đó? Phải chăng tình yêu thương đồng loại đang có vấn đề?

 
- Theo tôi, hiện tượng vô cảm có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân cốt yếu nhất là xã hội phát triển tạo cho con người tự do phát triển, đồng nghĩa với cái tôi được đặt lên hàng đầu.

Trong cấu trúc nhân cách con người có ba thành tố là "cái tôi" (con người hiện thực), "cái siêu tôi" (chuẩn mực của cá nhân) và phần nhu cầu của con người. Một khi nhu cầu của con người được phát triển một cách tự do là không có cái gì để khống chế và cũng không rèn luyện "cái tôi" và "cái siêu tôi" thì rõ ràng nhu cầu sẽ thắng thế các phần kia. Hơn nữa, khi con người tự do phát triển không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực thì tính ích kỷ, sự vô cảm càng lan rộng.

Mỗi con người là sản phẩm của giáo dục, nhưng trong nhà trường hiện nay, thay vì dạy trẻ con về học chữ và lòng nhân ái thì bắt các em học thuộc, học vẹt những điều quá xa xôi và cao siêu. Trong khi, trước đây, SGK có những bài học giản dị để mỗi người lớn lên biết yêu từ bến nước, cây đa, yêu từ viên gạch lát dưới chân ta qua mỗi ngày... Do vậy, trong nhà trường cần phải thay đổi, phải làm sao thiết thực, dậy cái học trò cần chứ không chỉ dạy cái mình có.

Hơn nữa, cùng với một bộ phận ở các thế hệ 7X, 8X, 9X sống buông thả, bản năng tạo ra sự vô cảm, là việc quản lý phim ảnh, sách báo, truyện, những luồng văn hóa đen trên mạng... của chúng ta còn quá nhiều bất cập. Những chuyên loạn luân, bạo lực; những xu hướng văn hóa kỳ dị… khơi gợi tình dục, bản năng hung tính của con người... đầy rẫy trên mạng. Trò chơi bạo lực tràn lan không có một cơ chế kiểm soát hiệu quả.

Đây có phải là hệ quả của lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất không, thưa bà?

- Có rất nhiều phía tác động dẫn đến hệ quả này: xã hội, gia đình, nhà trường và bản thân mỗi người. Khi từ bé được nuông chiều thì con người sẽ làm bằng được cái gì mình thích, bất chấp tất cả đạo đức, luật pháp, tức là phát triển cái tự do, cái tôi quá lớn, những điều gì của chung, của cộng đồng đều không liên quan tới mình. Cha mẹ bị trả giá khi con có thể chặt bố, chặt người yêu...

Chính vì thế, gia đình phải là nơi dạy cho trẻ đạo đức, tính kỷ luật và tất cả những đức tính cơ bản nhất của một con người. Hình thành nên lòng nhân ái trong con trẻ là việc rất quan trọng. Và trước tiên, từ nhỏ mỗi người phải biết yêu bản thân mình. Biết mình có yếu điểm gì, có nhược điểm gì, biết yêu thương con người chứ không chỉ biết sống hưởng thụ rồi tự hủy hoại bản thân mình như đua xe, dùng thuốc lắc... Và trước mọi nỗi đau của đồng loại, họ dửng dưng đứng ngoài cuộc. Thậm chí, có gây hại cho người khác thì họ cũng mặc kệ. Bởi lẽ, khi con người không yêu thương chính mình thì cũng không thể yêu thương ai khác.

Giới trẻ có vẻ như đang sống tạm bợ, không có mục đích, khát khao và lý tưởng sống dẫn đường? Và một điều nữa là trong những bàn tay nghĩa hiệp vì đồng loại, dường như rất thiếu vắng giới trí thức?

- Làm sao có một hứng thú, động cơ học tập đúng đắn với sự khát khao tri thức khi có những giờ học đọc chép nhàm chán?. Làm sao có một lý tưởng yêu thương và nhân ái với sức ép thành đạt từ gia đình và những điều thất vọng từ sự giả dối của người lớn?. Làm sao giải tỏa được những năng lượng tốt khi có quá ít các sân chơi, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lành mạnh?.

Trong khi đó, thế giới mạng lại có quá nhiều những điều mới mẻ, lý thú, hấp dẫn giới trẻ, và những trò tiêm nhiễm cũng từ đó mà lây lan. Khi không cân bằng được tâm lý, tất yếu người trẻ sẽ có những hành vi lệch chuẩn như đồng tính, cướp giật, không định hướng được giá trị cuộc sống... Điều này cần sự vào cuộc đồng bộ và tiếng nói của toàn xã hội, nếu chúng ta không kịp làm sẽ làm hỏng nhiều thế hệ.

Có thể thấy, sự hiếu kì, vô cảm không chỉ có ở giới bình dân mà ngay trong giới trí thức cũng thờ ơ bởi bản tính trung dung, không thích va chạm. Khi một điểm xấu xuất hiện, thay vì mọi người phải vào cuộc thì lại làm ngơ. Bọn xấu biết lợi dụng cái này để hoành hành. Có thể thấy ở đây, trách nhiệm cộng đồng của chúng ta rất kém và chúng ta chưa làm nghiêm minh trước những vấn đề này như luật pháp không xử phạt triệt để...

Xin cảm ơn bà.

Nguyệt Thương (thực hiện)

Uyên Na  

Đọc thêm