Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, các nỗ lực điều tra của cơ quan tình báo nước này cũng đang tập trung vào cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid. “Từ tất cả các thông tin mà tôi được báo cáo lại từ cơ quan an ninh nội địa, trung tâm chống khủng bố quốc gia, cộng đồng tình báo, tôi nghĩ rằng có chuyện gì đó đã xảy ra với viên phi công. Tôi nghĩ tất cả các thông tin đó đều hướng tới buồng lái, mà cụ thể là cơ trưởng và cơ phó” – ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ nói trên kênh Fox News.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cũng đã xác nhận liên lạc cuối cùng từ buồng lái - “Được rồi, chúc ngủ ngon” – có giọng điệu rất thoải mái và nó được đưa ra sau khi hệ thống báo cáo và xử lí thông tin liên lạc máy (ACARS) đã bị tắt một cách có chủ ý. ACARS là hệ thống chuyển tới mặt đất các thông tin quan trọng về điều kiện của máy bay.
Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được giọng nói cuối cùng phát ra từ buồng lái là của ai nhưng hầu hết các điều tra viên đều cho rằng người này biết được rằng hệ thống ACARS đã bị vô hiệu hóa. Hệ thống nhận và phát tín hiệu của máy bay cung cấp thông tin về vị trí máy bay đã bị tắt 14 phút sau khi ACARS bị vô hiệu hóa. Sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar dân sự, máy bay vẫn xuất hiện trên radar quân sự.
Các bên liên quan tới cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã tăng gần gấp đôi trong 2 ngày qua, lên tới 26 nước, sau khi dữ liệu vệ tinh và radar quân sự cho thấy 2 hành lang lớn mà máy bay có thể đã bay qua. Trong đó, hành lang phía Bắc kéo dài ở khu vực Nam và Trung Á, trong khi hành lang còn lại trải từ Ấn Độ Dương tới Australia. Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 17/3 cho biết Australia sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm chiếc MH370 tại khu vực phía Nam. Trước đó cùng ngày, ông Abbott nói rằng không có thông tin cho thấy máy bay đã tiến gần tới Australia.
Thêm giả thiết mới
Liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của chiếc MH370, tờ Independent của Anh ngày 17/3 dẫn một nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra cho hay, các nhà điều tra Malaysia đang xem xét giả thiết cho rằng chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines sau khi biến mất khỏi màn hình radar có thể đã tới một trong những thành trì của tổ chức khủng bố Taliban ở khu vực biên giới phía Bắc Afghanistan và Pakistan. Tờ báo cho biết, giới chức Malaysia đang chờ cấp phép ngoại giao của 2 nước nói trên để kiểm tra giả thiết này.
Bên cạnh đó, Hãng tin AP nói rằng có một khả năng – dù rất nhỏ - mà các nhà điều tra cần phải xem xét đến là việc một trong 2 phi công đã tự tử. Theo hãng tin này, những sự việc tương tự như vậy đã xảy ra trước đây nhưng chủ đề này vẫn gần như là một việc cấm kỵ và các nhà điều tra cũng như giới hữu trách không muốn kết luận rằng một phi công đã cố ý lao máy bay xuống biển để tự tử, kể cả trong những trường hợp có những bằng chứng thuyết phục về giả thiết này.
Hãng tin này dẫn vụ việc cơ phó Gameel El-Batouty trên chuyến bay số 990 của EgyptAir đã tắt chế độ bay tự động và lái máy bay hướng xuống dưới khiến chiếc máy bay đâm xuống Đại Tây Dương vào năm 1999, làm toàn bộ 217 người trên máy bay thiệt mạng. Theo báo cáo của các nhà điều tra Mỹ, trong lúc máy bay lao xuống biển, El-Batouty vẫn bình tĩnh nói cụm từ: “Tôi tin vào Chúa” tổng cộng 11 lần.