Mâm bát... ra sân vì chồng "chơi quá đà"

Tháng giêng là tháng ăn chơi, dựa vào câu thành ngữ đó mà nhiều người tự “thưởng” cho mình một tháng để nghỉ ngơi, chơi bời. Nhưng chơi bời quá đà đã để lại nhiều cuộc cãi vã, thậm chí có gia đình mâm bát "bay" ra sân.

Tháng giêng là tháng ăn chơi, dựa vào câu thành ngữ đó mà nhiều người tự “thưởng” cho mình một tháng để nghỉ ngơi, chơi bời. Những câu chuyện chơi bời quá đà đã để lại nhiều cuộc cãi vã, thậm chí có gia đình mâm bát "bay" ra sân.

Đầu năm mâm cơm đã bay ra sân

Đối với hàng xóm, gia đình nhà chị Lại Thị Thư (Đông Hưng, Thái Bình) có vẻ khá hạnh phúc. Con cái học hành đàng hoàng tử tế, kinh tế ổn định. Anh chồng chị đi làm biền biệt cả năm, vài tháng mới về một lần.

Vào các dịp khác mỗi khi người chồng về họ đều rất hạnh phúc, riêng chỉ có một tháng Tết hàng xóm xung quanh nhà chị Thư lại được chứng kiến cảnh bát đĩa bay vèo vèo. Có những đêm khuya khoắt người ta còn nghe thấy tiếng khóc hờ của chị Thư.

Chồng chị Thư vốn là một người chồng, người cha tốt, chăm chỉ làm ăn. Nhưng năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, anh tự thưởng cho mình những tối tá lả thâu đêm. Có hôm chị Thư phải đến từng điểm “nóng” để tìm chồng nhưng cũng không gặp.

Nếu chị may mắn gặp chồng đang cảnh kễnh chân nghiên cứu đánh bài thì khi về nhà chị sẽ bị anh cho bạt tai. Mặc dù biết chồng đánh tá lả cũng chỉ cho vui và tiền ra, tiền vào cũng chẳng đáng là bao nhưng vì tiếc của, thương chồng “cày đêm” nên chị vẫn đi tìm.

 
Sáng sớm mùng Hai Tết vừa rồi, vợ chồng anh Vũ Văn Thủy (Hưng Hà, Thái Bình) đánh nhau om sòm cả khu xóm. Nhiều người không biết lý do vì sao chỉ lắc đầu “năm mới…”. Hà (vợ anh Thủy) khóc thút thít vì cả đêm hôm qua anh đi suốt đêm đến mờ sáng mới về. Khi vợ ca thán chuyện bài bạc anh bê cả mâm bát vừa sắp ném ra sân.

Anh Thủy phân bua: Đầu năm không muốn vợ chồng lục đục lại “giông cả năm” nhưng nó (vợ anh) cứ ca thán mãi. Mặc dù anh đã biết mình sai nhưng cả năm anh chỉ đánh bài cho vui, một phần vì bạn bè rủ rê, một phần vì nể.

Em muốn anh chơi bài hay "đi gái"?

Những câu chuyện chơi bời đầu năm của nhiều gia đình cũng để lại nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Anh Bùi Ngọc Mười (Ân Thi, Hưng Yên) có máu chơi bài, anh có thể bỏ ăn, bỏ ngủ để đánh tá lả. Cả một mùa chơi anh chỉ dành vốn còm cõi  khoảng một triệu đồng. Anh gãi đầu, gãi tai khoe “hôm nay thắng được vài trăm thì mai lại ra nên cũng không phải mang của nhà đi biếu”.

Nhiều người phải thán phục khi anh chơi bời nhiều thế nhưng vợ anh vẫn không có một lời than vãn. Anh truyền kinh nghiệm cho những “đồng chiếu” của mình rằng: mỗi khi vợ than vãn chỉ cần nói nhỏ nhẹ “đàn ông ai cũng có tật xấu, không chơi bài thì sẽ đi cặp bồ. Nếu ra sự lựa chọn thì không bà vợ nào muốn chồng mình đi gái, dù có ngậm ngùi không muốn vẫn phải im lặng để chồng vào “sới”.

Vào dịp Tết về quê ở mỗi làng hầu hết đều có một hai sới bài sát phạt nhau. Theo khảo sát của PV những sới bài tự phát này chủ yếu là đánh nhỏ với khẩu hiệu “vui xuân”.

Nhà chị Luận (Đông Hưng, Thái Bình) được nhiều người trong làng gọi là casino. Chị Luận cho biết, ban đầu là mấy ông hàng xóm sang ngồi nhờ vì nhà chị ở cuối thôn. Họ thấy vài ông vào ngồi nhờ là lần lượt họ cứ rủ nhau kéo đến và từ không biết khi nào nhà chị trở thành “tụ điểm ăn chơi” của nhiều quý ông trong làng.

Chị không ngừng than thở: mệt lắm nhưng không đuổi được họ. Nhiều khi họ chơi còn nói to làm cho các cháu không học được bài. Chị cũng bị vợ của những người này đến tận nhà mắng chửi. “Nhiều bà vợ khéo đến nói còn dễ nghe chứ nhiều bà ghê gớm đến chưa biết đầu cuối chỉ thấy chồng ngồi ở đó là chửi”.

Chị còn nhớ dịp Tết năm ngoái, mẹ con chị đang nấu ăn cúng hóa vàng ở dưới bếp thấy một chị ở tận làng bên sang khóc lóc bảo với chồng là con bị đánh trọng thương. Người chồng chưa hay thật giả đứng phắt dậy đi về. Khi anh chồng về đến nhà thì bị vợ khóa trái cổng lại và khai thật nói dối để chồng về.

Theo Nông thôn ngày nay

Đọc thêm