Để có những “bữa tiệc” âm nhạc mang tầm thế giới ấy, những người tổ chức chương trình hẳn phải yêu và tâm huyết với nó. Bởi tổ chức được một chương trình nhạc hàn lâm mang tầm quốc tế rất “ngốn” tâm sức, kinh phí với sự chuẩn bị công phu trong thời gian dài.
“Chiêu đãi” người dân những điệu nhạc đầy cung bậc cảm xúc
Chuỗi hoà nhạc “Acecook Happiness Concert” là dự án cộng đồng của Acecook Việt Nam, tổ chức lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2016. Chuỗi hòa nhạc trải qua 5 năm hoạt động thành công và tạo nhiều tiếng vang, truyền cảm hứng cho mỗi người dân Việt Nam mỗi độ xuân về.
Bước sang năm thứ 6, ngoài phần biểu diễn đầy tinh hoa của Dàn nhạc VNSO và nghệ sĩ độc tấu Violon Bùi Công Duy, dưới sự chỉ huy xuất sắc của nhạc trưởng Honna Tetsuji, chương trình năm nay đặc biệt sẽ có sự kết hợp biểu diễn cùng ca sĩ Opera Phạm Khánh Ngọc - Giải Nhì Cuộc thi thanh nhạc Asean và ca sĩ Hồ Trung Dũng – hai năm liên tiếp nhận được Giải thưởng truyền hình HTV (HTV Awards), hứa hẹn tạo ra tác phẩm âm nhạc đỉnh cao, đầy trẻ trung, mới lạ và hấp dẫn. Ca sỹ Hồ Trung Dũng và ca sỹ opera Phạm Khánh Ngọc sẽ biểu diễn những bản nhạc nổi tiếng như “Cry me a river,” “My heart will go on,” “A whole new world” (nhạc phim hoạt hình “Aladdin”), “The Phantom of the Opera” và “There you’ll be” (nhạc phim “Trân Châu Cảng”).
Bắt đầu từ năm thứ 2 tổ chức, những người yêu âm nhạc cũng đã được Acecook Việt Nam “chiêu đãi” những điệu nhạc đầy cung bậc cảm xúc tại những buổi hòa nhạc ngoài trời và phục vụ miễn phí cho tất cả mọi người. Từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Hội An, mỗi buổi diễn có một ấn tượng riêng, nhưng tựu chung là sự lan tỏa những cảm xúc tươi vui cho tất cả mọi người.
Chương trình “Acecook Happiness Concert” lần 6 (2020 – 2021) được ra đời dựa trên ý tưởng mang âm nhạc thính phòng – một loại hình nghệ thuật cao cấp đến gần hơn với công chúng. Năm năm qua, ngoài việc mang không gian âm nhạc từ thính phòng mở rộng ra cộng đồng, chương trình còn đưa vào biểu diễn những bài nhạc có giai điệu quen thuộc với người Việt Nam.
Trong chương trình còn có “Góc chỉ huy” đầy sáng tạo, ngẫu hứng mà khán giả năm nào cũng chờ đợi khi đến với chương trình: thử tài làm nhạc trưởng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Trong vai trò là “người nhạc trưởng”, lần đầu tiên chỉ huy một dàn nhạc tạo ra những giai điệu mang bản sắc của riêng mình, mỗi khán giả có cơ hội trải nghiệm đều lưu lại những kỷ niệm hết sức thú vị và khó quên.
Trước đó, cuối tháng 12 năm 2019, buổi hòa nhạc ngoài trời đã diễn ra tại trung tâm phố cổ Hội An, khán giả chìm đắm trong không gian âm nhạc giữa những dải sáng lấp lánh của ánh đèn phố Hội, giữa vang vọng tiếng hò reo. Bằng những giai điệu vừa dung dị của âm nhạc dân gian, vừa hiện đại trong thanh âm sôi động của thanh âm điện tử, Slim V đã khiến toàn bộ những tâm hồn yêu nhạc được thỏa mãn. Ngoài các nghệ sĩ Việt, các buổi hòa nhạc còn có các nghệ sĩ lớn đến từ thế giới. Công chúng được thăng hoa với hai nghệ sĩ solist nổi tiếng của Nhật Bản: nghệ sĩ Cello Miyata Dai và nghệ sĩ Jazz Piano Yamashita Yosuke. Các tác phẩm giao hưởng kinh điển như: The Moon - new and full - from 3rd movement of “Scheherazade” của Rimsky Korsakov, La Gazza ladra của G. Rossini, Take the A train của Duke Ellington, Rhapsody in Blue của George Gershwin… được vang lên khi mùa xuân tới.
Sự có mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế đã góp phần đánh dấu Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới với tư cách một điểm đến hấp dẫn, là nơi có các khán giả có trình độ thưởng thức cao. Đồng thời, khán giả Việt Nam cũng được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc xa hoa, đỉnh cao qua những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới ấy.
Bên cạnh “Acecook Happiness Concert”, công chúng còn được thưởng thức “Đêm nhạc cổ điển Toyota” được tổ chức hơn 10 năm nay. Ví như năm 2019, Đêm nhạc có chủ đề “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống” được Toyota tổ chức lần thứ 30. Tại đây, khán thính giả được “đã tai, đã mắt” thưởng thức những tuyệt phẩm âm nhạc với trình diễn của các tài năng âm nhạc tới từ dàn nhạc London Chamber Orchestra - dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Christopher Warren-Green. Toàn bộ nội dung đêm nhạc đều là các tác phẩm thính phòng kinh điển của nước ngoài, đem đến cho người nghe một bầu không khí rất cổ điển.
Nuôi dưỡng các tài năng âm nhạc Việt
Để có những “bữa tiệc” âm nhạc mang tầm thế giới ấy, những người tổ chức chương trình hẳn phải yêu và tâm huyết với nó. Bởi tổ chức được một chương trình nhạc hàn lâm mang tầm quốc tế này rất “ngốn” tâm sức, kinh phí nhiều tỷ đồng với sự chuẩn bị công phu trong thời gian dài.
Để mời một nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn không dễ dàng chưa kể chi phí cho dàn nhạc hàng chục, tới trăm nghệ sĩ khác. Trong khi, tiền bán vé chỉ mang tính chất rất tượng trưng, “đãi khách”. Dẫu bán có hết vé trong khán phòng 500 người thì lợi nhuận thu về chỉ như “muỗi đốt inox” so với số tiền ban tổ chức bỏ ra. “Việc lấy kinh phí tổ chức đêm nhạc hàn lâm từ nguồn thu bán vé là… một chuyện không tưởng” - một đạo diễn chương trình bộc bạch. Chưa kể tới việc, các buổi hòa nhạc “xuống phố” “chiêu đãi” người dân thưởng thức âm nhạc đỉnh cao Việt Nam và thế giới… miễn phí.
Chính vì vậy, hầu hết, ban tổ chức các chương trình hàn lâm như vậy không thể “trụ” được nếu không có các đại gia, các nhà tài trợ yêu nghệ thuật…“chống lưng”.
Theo nghệ sĩ Phó An My, ngay ở những nước sinh ra nhạc cổ điển, khán giả của loại hình này cũng chỉ chiếm cao nhất 30%. Thế nên, kể cả những đêm diễn ở nước ngoài cũng cần có các thương hiệu giúp đỡ. GS. NGND Ngô Văn Thành đồng quan điểm: “Để đưa được loại hình nghệ thuật này tới gần hơn với nhu cầu thưởng thức của công chúng phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tổ chức, những đại gia yêu nghệ thuật”.
Không chỉ mang đến những đêm diễn đầy màu sắc cho khán giả đam mê dòng nhạc cổ điển, chương trình hòa nhạc còn góp phần phát triển nguồn nhân lực - các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam, khi toàn bộ số tiền bán vé của các đêm diễn đều được sử dụng để hỗ trợ các tài năng.
Với mong muốn lan tỏa niềm hạnh phúc đi xa hơn, sâu hơn và bền vững hơn đến cộng đồng, năm thứ 6 tổ chức, Acecook Việt Nam đã thay đổi cách thực hiện việc tài trợ. Thay vì trao học bổng cho các sinh viên trường âm nhạc, năm nay, Ban tổ chức sẽ dành toàn bộ phần lợi nhuận thu được từ tiền bán vé của hai đêm hòa nhạc chính để tài trợ cho dự án nhiệt huyết dành cho cộng đồng liên quan đến bất kỳ thể loại âm nhạc nào. Theo đó, bất kỳ cá nhân hay hội, nhóm nào có hoài bão và nhiệt huyết đang ấp ủ thực hiện một dự án âm nhạc dành cho cộng đồng có thể nộp hồ sơ để nhận tài trợ 200 triệu đồng. Đề án có thể liên quan đến việc phổ biến dạy học và lan tỏa các giá trị âm nhạc đến các đối tượng ít có điều kiện tiếp cận trong cộng đồng, ví dụ: dạy nhạc cho trẻ em tự kỷ, biểu diễn nhạc giao hưởng cho người dân vùng cao, hoặc sưu tầm và gìn giữ các giá trị văn hóa đang dần mai một…
Hoạt động vì cộng đồng này được đặt tên là Dự án cộng đồng “Âm nhạc hạnh phúc”. Trước đó, Ban tổ chức đã phối hợp với “Quỹ Trái tim nhân ái” trao tặng 9 suất học bổng Thắp sáng tài năng âm nhạc với trị giá 5 triệu đồng/suất cho các sinh viên vượt khó học giỏi; tặng đàn piano và bộ micro chuyên dụng cho Học viện âm nhạc quốc gia, tặng bộ trống, Piano điện và thiết bị âm thanh cho Nhạc viện TP HCM, tặng 1 bộ mixer và các thiết bị đi kèm phục vụ cho hoạt động hòa nhạc ngoài trời của Học viện Âm nhạc Huế.
Ông Kajiwara Junichi – đại diện Ban tổ chức cho hay, Hoà nhạc “Acecook Happiness Concert” đón chào Xuân Tân Sửu, với sự thay đổi về chương trình cho gần gũi và trẻ trung hơn, chúng tôi không chỉ muốn hướng đến giới trẻ - thế hệ trụ cột tương lai của đất nước, mà với Dự án cộng đồng “Âm nhạc hạnh phúc”, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho tất cả mọi người tiếp bước ước mơ về âm nhạc, đồng thời mang lại giá trị bền vững và sâu sắc cho cộng đồng”.