Mang hơi ấm đến với người yếu thế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bằng nhiệt huyết và sức trẻ, nhiều bạn trẻ đang nỗ lực giúp đỡ những người yếu thế có cuộc sống tốt hơn. Hành động này không chỉ thay đổi cuộc sống của nhiều người mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, tấm lòng nhân ái, đồng thời chứng minh rằng thế hệ trẻ có thể tạo ra những tác động tích cực trong xã hội.
Các cụ ông bên bữa cơm đầm ấm tại “Hà Nội chung tay”. (Ảnh: Hà Nội chung tay)
Các cụ ông bên bữa cơm đầm ấm tại “Hà Nội chung tay”. (Ảnh: Hà Nội chung tay)

Nhóm bạn trẻ 10X và ước mơ xây dựng mái ấm cho người vô gia cư

Vào thời điểm này năm ngoái, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội xuất hiện câu chuyện nhóm bạn trẻ 10X tự bỏ tiền túi ra thuê nhà cho những người vô gia cư sinh sống. Câu chuyện thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, không ít người vừa bất ngờ, vừa khâm phục trước hành động thiện nguyện này. Dù đều là những sinh viên tỉnh lẻ ra Hà Nội học tập và làm việc nhưng họ đã thực hiện một việc làm đáng nể mà không phải ai cũng có thể làm được.Đó là câu chuyện về ba chàng trai Lê Thanh Hải (24 tuổi), Lê Minh Sơn (23 tuổi) và Nguyễn Vương Anh (23 tuổi), họ là những người bạn thân từ nhỏ, đều sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hóa. Từ quê lên Hà Nội học tập và làm việc, nhóm bạn trẻ 10X không chỉ mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ mà còn mang cả tấm lòng nhân ái của mình đến với Thủ đô. Với tâm niệm “Máu đỏ, da vàng, mình là người Việt Nam. Mình phải yêu thương chính đồng bào của mình”, dự án “Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư” đã được lập nên để giúp những người già neo đơn có chỗ tránh nắng, tránh mưa mỗi ngày.

Nhớ về những ngày đầu, chỉ vì ám ảnh với hình ảnh một cụ ông co ro ở góc vườn hoa trong tiết trời lạnh 11 độ mà Hải đã quyết tâm phải làm được điều gì đó giúp đỡ cho những hoàn cảnh như vậy. Nghĩ là làm, Hải rủ Sơn và Vương Anh cùng thực hiện dự án với mình. Ba chàng trai trẻ, người còn đang đi học, người mới đi làm đã bắt đầu chắt bóp chi tiêu, gom góp được số tiền 30 triệu đồng để bắt tay thực hiện. Thời điểm ấy, ba anh em đi tìm nhà trọ khắp nơi trong thành phố, khi có được địa điểm cả nhóm lại bắt tay vào sửa sang lại nhà, lắp đặt thêm đồ đạc tiện nghi như bình nóng lạnh, điều hòa, bếp gas, giường chiếu… Cuối cùng mới tính đến chuyện thuyết phục những người vô gia cư về sinh sống.

Hành trình xây dựng mái ấm cho các cụ nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại đầy khó khăn, nhất là trong việc làm thế nào để các cụ đồng ý theo mình về. Đã từng có lúc các chàng trai thức cả đêm đi tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư của người vô gia cư để hiểu tâm tư của họ, từ đó đồng cảm và nhận được sự tin tưởng. Thế rồi tâm ý của nhóm bạn trẻ cũng đã được hồi đáp, các cụ dần mở lòng và đồng ý về chung một nhà.

Người đầu tiên bước vào, rồi người thứ hai, thứ ba, mỗi lần như vậy đều là thành quả sau nhiều ngày tìm hiểu, tiếp cận và tạo niềm tin với các cụ. Được biết, mỗi người ở tại mái ấm chung đều có hoàn cảnh đặc biệt, người thì nhà cháy nên trắng tay, người thì vợ mất, con cái vô tâm, người thì đãng trí không còn nhớ nổi điều gì nhưng tất cả đều có điểm chung là không có chốn nương thân ở cái tuổi mà chính ra đang được an hưởng tuổi già.

Khi về sống tại mái ấm “Hà Nội chung tay”, các cụ được chăm sóc tận tình như người thân trong gia đình. Đồng thời, để xã hội thay đổi cách nhìn về người vô gia cư, nhóm cũng đặt ra một số quy định như các cụ về nhà trước 23 giờ, không ra đường ăn xin, các cụ đoàn kết sống cùng nhau... Còn lại thiếu thốn đến đâu các bạn sẽ lo. Dù vậy, các cụ vẫn tiếp tục những công việc thường nhật như nhặt ve chai, tự trồng rau, bán quần áo cũ vừa để có thêm thu nhập, vừa để giữ được niềm vui lao động.

Đến nay sau hơn 1 năm thành lập dự án, căn phòng trọ đặc biệt vẫn luôn đầy ắp tiếng cười của ba cụ ông Nguyễn Văn Phương (94 tuổi, quê gốc Nam Định), Nguyễn Bá Thành (74 tuổi, quê gốc Hải Phòng), Đặng Thế Quý (74 tuổi, quê gốc Hà Nội). Được biết, các cụ đã gắn bó với “Hà Nội chung tay” từ những ngày đầu tiên và dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, ba cụ ông đã cùng nhau trải qua cái tết đầu tiên sau bao nhiêu năm “không nhà, không tết”. Không chỉ vậy, các cụ còn được tham gia những hoạt động ý nghĩa như tổ chức sinh nhật, tham quan các di tích, bảo tàng ở Hà Nội,…

Nói về dự định trong tương lai, nhóm bạn trẻ mong muốn giúp đỡ thật nhiều người vô gia cư, thậm chí Hải còn mong muốn sau này sẽ xây dựng được một viện dưỡng lão miễn phí cho người già vô gia cư ở Hà Nội.

“Cô tiên từ thiện” giúp người nghèo khắp TP HCM

Cũng là một cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội với các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khắp TP HCM, Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi) được cộng đồng mạng gọi với cái tên thân thương “cô tiên từ thiện”. Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh tại một đại học có tiếng ở Úc, Trúc Phương về nước làm người mẫu ảnh kiêm quản lý cho khách sạn của gia đình. Tuy nhiên, cô được nhiều người biết tới hơn với vai trò mạnh thường quân khi đứng ra kêu gọi ủng hộ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khắp thành phố.

Trúc Phương (ngoài cùng bên trái) trên hành trình thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. (Ảnh: FB nhân vật)

Trúc Phương (ngoài cùng bên trái) trên hành trình thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. (Ảnh: FB nhân vật)

Là tiểu thư “lá ngọc cành vàng”, sống trong nhung lụa nhưng từ ngày bé Trúc Phương đã có một tình cảm đặc biệt dành cho những ông bà đi bán vé số và có ước mơ lớn lên sẽ xây dựng được một nơi để ông bà có thể ghé ăn cơm, nghỉ lại. Khi còn đi học, cô đã gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, ban đầu chỉ đơn giản là gửi tiền ủng hộ cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện của người bạn thân, hay cùng đoàn phát thuốc và đồ ăn tại bệnh viện và chùa. Dần dần các hoạt động từ thiện mở rộng hơn khi cô trở về nước vào năm 2019, lúc đó thấy mạng xã hội chia sẻ ai cần được giúp đỡ, cô lại vận động gia đình, bạn bè cùng bỏ thêm tiền túi để tìm đến hỗ trợ. Nhưng số tiền lúc đó chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/lần.

Nói về bước ngoặt trên hành trình từ thiện của Trúc Phương, có lẽ là vào năm 2020, khi cô giúp đỡ cho hoàn cảnh của chú Hải chạy xe ôm với mong muốn mua cho chú một chiếc xe máy mới. Bài đăng xin ủng hộ trên trang cá nhân về chú Hải, người đàn ông ngày ba bữa ăn bánh mì từ thiện đã thu hút sự chú ý của các mạnh thường quân. Ban đầu Trúc Phương nghĩ chỉ xin 10 - 15 triệu đồng để mua lại chiếc xe cũ cho chú, vậy nhưng con số quyên góp lên tới hơn 40 triệu đồng. Ngay hôm sau, cô gái trẻ lái ô tô đến chở chú đi mua chiếc xe mới, đi siêu thị. “Nhìn chú đen nhẻm, khoác chiếc áo xe ôm công nghệ ngồi trên xe ô tô chụp ảnh cùng em mà thương lắm. Đó là cột mốc em bắt đầu nổi tiếng”, Trúc Phương chia sẻ với báo chí.

Một trường hợp nổi bật khác là anh Tâm ở Tây Ninh, người đã bị rắn hổ mang chúa cắn khi liều mình bắt rắn để kiếm tiền đóng học cho con. Vì gia đình khó khăn không có tiền, anh Tâm rơi vào hoàn cảnh nếu không phẫu thuật sẽ phải cưa chân để giữ tính mạng. Ngay khi nhận được thông tin, Trúc Phương đã kêu gọi quyên góp được số tiền hơn 200 triệu đồng và gửi về cho gia đình anh Tâm. Tiếp đó, Trúc Phương còn làm thẻ ngân hàng cho vợ anh Tâm để mọi người ủng hộ trực tiếp cho vợ chồng anh chị. Chỉ sau vài ngày, hơn 500 triệu đồng đã được gửi đến và số tiền vẫn tiếp tục tăng lên trong những ngày sau. Kết quả, anh Tâm được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục, còn Trúc Phương thì vỡ oà, không tin được là mọi người lại tin tưởng mình đến vậy.

Sự tin tưởng và ủng hộ từ cộng đồng đã khiến Trúc Phương cảm thấy vô cùng xúc động, cô cho rằng sự yêu mến và động viên này chính là nguồn khích lệ lớn trên con đường thiện nguyện của mình. Gần 3 năm qua, cô gái 26 tuổi đã giúp khoảng 100 trường hợp với số tiền trên dưới 10 tỉ đồng. Trong đó, có không ít trường hợp khó khăn, từ người bán hàng rong, ông bà già yếu, bệnh tật đến những đứa bé nghèo,…

Đặc biệt, Trúc Phương ưu tiên nhất cho các ông bà lớn tuổi, cô nhận thấy nhiều ông bà sống cuộc đời đầy khổ cực, cuối đời ai cũng muốn được sống an nhàn nhưng ông bà vẫn đang từng ngày bươn chải mưu sinh vì “miếng cơm, manh áo”. Như trường hợp ông Sót 80 tuổi nhưng đã trải qua 79 năm khó khăn từ thời chiến tranh đến nay, hay như câu chuyện ông bà Tư bán đá bào và vé số, bà Tư bị ngã gãy chân cả năm trời không có tiền đi mổ, phải nằm một chỗ. Từ những câu chuyện đó, Trúc Phương mong muốn có thể giúp các ông bà có những ngày tháng cuối đời được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, ăn những món ăn yêu thích và thực hiện những điều họ mong muốn.

Đọc thêm