Mạng lưới buôn hổ “đội lốt” hoạt động “bảo tồn hoang dã”

(PLO) -Các nhà hoạt động hy vọng vụ bê bối sát hại hổ tại đền thiêng ở Thái Lan sẽ thức tỉnh dư luận thế giới, khi nạn buôn lậu loài vật hoang dã này ngày một nở rộ.
Một nhà sư chăm sóc hổ tại ngôi đền ở tỉnh Kanchanaburi. Đền sau đó bị cơ quan chức năng lục soát. Ảnh: AP
Một nhà sư chăm sóc hổ tại ngôi đền ở tỉnh Kanchanaburi. Đền sau đó bị cơ quan chức năng lục soát. Ảnh: AP

Trước đây ít ngày, chỉ cần bỏ ra 600 baht Thái (gần 17 USD) là một du khách có thể tới thăm ngôi đền chuyên nuôi hổ tại tỉnh Kanchanaburi, phía tây thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt vời khi những con hổ sống chung với người một cách gần gũi. Chỉ cần chi thêm khoảng gần 22 USD họ sẽ được tham gia cho hổ ăn, hoặc chụp ảnh với một chú hổ ngả đầu vào lòng.

Trong gần 250.000 người đã tới ngôi đền này, phần lớn ai cũng thấy thích thú khi những con vật được xem như hung dữ nhất thế giới lại hiền lành đến vậy.

Nhưng giờ cánh cửa vào ngôi đền này đã bị đóng và toàn bộ những con "mèo lớn" đã được đưa đi, có lẽ là vĩnh viễn. Sau một thập kỷ bị cáo buộc bởi các nhóm bảo vệ động vật về những hành vi độc ác, buôn lậu động vật hoang dã và nuôi hổ sinh sản, ngôi đền mới đây đã bị 1.000 cảnh sát, binh sĩ quân đội và nhân viên chính phủ Thái Lan lục soát.

Tại đây, hoạt động buôn lậu các bộ phận cơ thể hổ tới thị trường Trung Quốc đã bị phanh phui. Những mối đe dọa với đời sống của hổ hoang dã cũng lộ rõ.

Số lượng hổ trong tự nhiên ước tính chỉ còn khoảng 3.200 cá thể, giảm mạnh so với mức 100.000 năm 1900. Nhưng nghiên cứu do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), tổ chức Bảo tồn và Giáo dục Môi trường vì Cuộc sống (Cee4life) của Australia cùng số liệu từ các cuộc điều tra của Traffic - mạng lưới theo dõi hoạt động buôn bán động vật hoang dã - cho thấy hơn 5.000 con hổ đang bị nuôi nhốt tại Trung Quốc, 1.450 con tại Thái Lan, 400 con tại Lào…

Ngoài ra, còn có nhiều vườn thú tư nhân và những cá nhân tự nuôi hổ tại các nước, chủ yếu tập trung tại châu Á.

Bà Debbie Banks, đến từ tổ chức EIA, từng thâm nhập vào các trại nuôi hổ ở Trung Quốc. Bà cho biết trong thập kỷ qua, hoạt động nuôi nhốt hổ đã phát triển nhanh chóng và là một ngành hái ra tiền, núp dưới vỏ bọc bảo tồn.

Sự tồn tại của những trại như vậy đang làm gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ cũng như các loại thuốc đông y cổ truyền của Trung Quốc, gây nguy hại cho số ít những cá thể hổ hoang dã còn lại.

"Những nơi như vậy cất trữ lượng lớn các bộ phận cơ thể hổ trong các kho đông lạnh. Cuộc khám xét vừa qua tại Thái Lan chỉ là phần nổi của hoạt động buôn bán trải rộng khắp Đông Nam Á. Những nơi được xem là bảo tồn hổ lại đang bí mật bán các bộ phận cơ thể của chúng ra chợ đen để thu lợi lớn", bà Banks nói.

Tại Kanchanaburi, những gì được phát hiện đằng sau tầm mắt của du khách đã gây sốc cho ngay cả những nhà điều tra hoạt động buôn bán động vật hoang dã kỳ cựu. Ngoài 137 con hổ sống, họ còn tìm thấy một phòng thí nghiệm, cho thấy các nhà sư đã sử dụng nhiều bộ phận cơ thể hổ để ngâm rượu và bào chế thuốc. Trong một kho lạnh, xác 40 con hổ con được tìm thấy.

Các trại nuôi như vậy đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường đối với xương và các bộ phận cơ thể hổ tăng nhanh, trong khi lượng hổ trong tự nhiên giảm mạnh. Chủ các trại này thường tuyên bố họ đang nâng cao nhận thức của mọi người về tình cảnh của hổ, và nói rằng những con vật được nuôi nhốt sẽ được đưa trở lại tự nhiên.

Bà Banks thì nhìn nhận những luận điệu đó một cách khinh bỉ. Những cơ sở nuôi hổ đó theo bà chỉ vì lợi nhuận, và hầu hết bị tình nghi liên quan đến hoạt động mua bán phi pháp các bộ phận cơ thể hổ.

Binh sĩ quân đội Thái Lan phát hiện nhiều da hổ, xác hổ con trong ngôi đền bị lục soát. Ảnh: Reuters
Binh sĩ quân đội Thái Lan phát hiện nhiều da hổ, xác hổ con trong ngôi đền bị lục soát. Ảnh: Reuters

Bất chấp một hiệp ước quốc tế được ký năm 2007, cấm việc nuôi hổ để lấy các bộ phận buôn bán, và trang trại nuôi hổ phải bị đóng cửa, thực tế lại đang diễn ra theo chiều ngược lại. Hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể hổ nuôi nhốt vẫn gia tăng, trong khi nhu cầu trên chợ đen đối với hổ hoang dã cao hơn bao giờ hết.

Mạng lưới Traffic cho biết các bộ phận cơ thể của khoảng 1.600 cá thể hổ đã bị các nước châu Á bắt giữ trong giai đoạn 2000 - 2014.

"Rất khó để biết được đâu là bộ phận cơ thể hổ hoang dã, đâu là từ hổ nuôi nhốt, nhưng không thể tất cả đều là hổ hoang dã", người phát ngôn Richard Thomas nhận định.

"Rất nhiều trong số hàng trăm bộ phận cơ thể hổ bị thu giữ tại châu Á có vẻ như từ những con vật nuôi nhốt, và Traffic từng kêu gọi nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, cho biết các biện pháp được triển khai để ngăn chặn những hoạt động buôn bán phi pháp như vậy".

Bất chấp các lệnh cấm được quốc tế áp đặt đối với hoạt động buôn bán này, những tuyến biên giới lỏng lẻo giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc giúp những kẻ buôn lậu dễ dàng tuồn các loài động vật.

Một khi các bộ phận cơ thể hổ được đưa tới Trung Quốc, món lợi những kẻ buôn bán thu được là rất lớn. Suốt nhiều thập kỷ, các bộ phận cơ thể hổ được sử dụng trong các loại thuốc Đông y, khiến giao dịch chợ đen rất phát triển.

Từ năm 1993, Trung Quốc đã cấm sử dụng xương hổ, nhưng ông John Scanlon, tổng thư ký của CITES, cho biết nhu cầu đối với một số loại vẫn tiếp tục tăng, do nhiều người mua muốn chứng tỏ độ giàu có.

Bộ da của một con hổ nuôi nhốt trưởng thành tại Trung Quốc có giá hơn 58.000 USD. Theo EIA, giới nhà giàu Trung Quốc đang mua những tấm da để làm thảm và treo tường, uống rượu hổ có giá 500 USD/chai. Xương hổ có giá tương đương với vàng, và một bát súp pín hổ - được tin là giúp tăng cường sinh lý ở nam giới - có giá hơn 300 USD.

Tại Trung Quốc chỉ còn khoảng 50 con hổ hoang dã, nhưng hai trại nuôi hổ lớn cùng nhiều trại nhỏ đang nuôi nhốt hợp pháp khoảng 5.000 con.

"Chúng tôi không muốn thấy những con hổ bị thương mại hóa dù theo bất kỳ cách nào", Colman O’Criodain, chuyên gia của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết. "Những con hổ càng hoang dã thì chúng được tin là càng tốt khi làm thuốc. Chưa nói đến việc rất khó khăn trong phân biệt rõ giữa các sản phẩm hoang dã và nuôi nhốt, rủi ro là rất lớn ".

Bà Banks thì khẳng định: "Các trại nuôi hổ không giúp ích gì cho việc bảo tồn hổ hoang dã. Trái lại, việc buôn bán các sản phẩm dù hợp pháp hay phi pháp từ các cơ sở đáng sợ này đều đang kích thích nhu cầu thị trường, làm gia tăng hoạt động săn bắt trộm, dẫn tới sự tuyệt chủng của hổ hoang dã".

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật hy vọng rằng vụ bê bối tại ngôi đền ở Kanchanaburi sẽ khiến thế giới thức tỉnh. Nhưng để chấm dứt hoạt động buôn bán một trong những loài động vật oai vệ nhất thế giới, có lẽ cần phải có một cuộc cách mạng văn hóa khác tại Trung Quốc, Guardian viết.

Đọc thêm