Hội nghị thu hút khoảng 150 đại diện từ các bộ, ngành và các cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính và các tổ chức tư vấn chính sách, các công ty thu mua và xuất khẩu hàng đầu, các nhà cung cấp và nhà phân phối chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị thường niên lần thứ 8 Mạng lưới Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính (FIDN) diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam nói riêng và của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung. Vì thế, các đơn vị tổ chức, hướng đến mục tiêu vực dậy và phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19.
Ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Bảo Lan. |
Ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) - cho rằng, từ những thách thức đó cũng đã nảy sinh ra nhiều mô hình kinh doanh mới, trong đó đặc biệt là xu hướng số hóa. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam cũng đã xây dựng và hướng tới việc phát triển một nền kinh tế số trong hoạt động quản lý và kinh doanh. Đó là yêu cầu phát triển tất yếu trong tương lai.
Đại diện cho nhóm tư vấn, ông Kobsak Duangdee – Chủ tịch Nhóm Công tác về thị trường tài chính, Đồng Chủ tịch Nhóm làm việc về tài chính và các vấn đề về nền kinh tế của APEC - cho biết, hiện nhóm đã hoạt động và hỗ trợ cho 140 quốc gia và nhận được 1.400 sáng kiến.
Hội nghị thường niên lần này sẽ thảo luận các chủ đề: Hướng tới phát triển hệ thống thông tin tín dụng; Hệ thống pháp lý về phá sản; Thúc đẩy hoạt động bao thanh toán và một nền kinh tế tương tác kỹ thuật số.
Hơn 30 diễn giả trong nước và quốc tế tham dự trực tiếp và trực tuyến sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các chính sách hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cũng như các thách thức phải xử lý khi tiến hành cải cách pháp lý liên quan đến giao dịch bảo đảm, các khó khăn mà cơ quan tư pháp gặp phải và các vấn đề liên quan tới định giá tài sản bảo đảm.
Được biết, Mạng lưới Phát triển Hạ tầng được Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FIDN) thành lập năm 2015 tại Philipinnes. Chương trình Hành động Cebu (CAP) là sáng kiến cần thiết giúp phát triển hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả, tăng cường chất lượng của các giao dịch bảo đảm và khuôn khổ xử lý hoạt động liên quan đến phá sản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng các động sản như các tài sản thế chấp trên các thị trường tín dụng.
Ngoài ra, FIDN cũng là một sáng kiến trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực APEC.