Đúng là Internet có sức mạnh ghê gớm, nó là thành tựu vĩ đại của trí tuệ nhân loại, của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, MXH trên xa lộ Internet cũng đang là thách thức đối với bất kỳ nền văn hóa nào, không riêng Việt Nam.
Thông tin xấu độc tán phát trên Internet nói chung và MXH nói riêng đang “ngập lụt”. Đó là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã xử lý hơn 500 vụ việc phát tán thông tin xấu, độc trên mạng Internet, MXH tại Việt Nam.
Điều đáng lo ngại, hiện nay, trong số hơn 70 triệu người đang sử dụng mạng Internet, thì nhóm học sinh, sinh viên, người trẻ chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Và không ít người chưa nhận thức sâu sắc được tất cả các nội dung thông tin được đăng tải trên mạng internet, dễ bị các đối tượng xấu sử dụng các chiêu trò để tuyên truyền, kích động.
Thủ đoạn tung tin xấu, độc của các đối tượng, tất nhiên tinh vi, xảo quyệt. MXH đang là nơi tán phát rộng rãi các tài liệu văn hóa có nội dung xấu, độc; sử dụng website, thư điện tử, các trang mạng xã hội nhắn tin, truyền thoại… để đưa các thông tin xấu, độc... Ông Thuận Hữu hoàn toàn có lý khi thẳng thắn: “MXH tác động ghê gớm đến sinh hoạt, tập quán phong tục, nhất là với giới trẻ đang có những giá trị về đạo đức xã hội bị lung lay” và theo ông “nhiều gia đình hiện nay đang hình thành một lớp người ích kỷ, vô cảm, thờ ơ, thiếu lý tưởng và thực dụng”.
Phải làm gì? Tất nhiên, không ai cấm được sự tò mò. Nhưng điều quan trọng, với mỗi người sử dụng MXH, khi tiếp nhận các thông tin, thận trọng xem xét, đánh giá đúng, sai trước khi có những hành động bình luận hay chia sẻ. Điều quan trọng nữa, về phía các ngành có trách nhiệm phải cung cấp được những thông tin cần thiết, kịp thời, trước khi người sử dụng MXH tò mò. Càng công khai, minh bạch về thông tin càng có tác dụng hạn chế thông tin độc hại.
Một đất nước phải có luật pháp. Do vậy, các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng phải được thực thi nghiêm túc.